Báo chí thỉnh thoảng dùng từ “đại án” để nói về vụ án này hay vụ án khác trong khi trong công tác xét xử về nguyên tắc mọi vụ án đều có tầm quan trọng như nhau. Không phải vì một vụ án liên quan đến vài chục ngàn tỉ đồng thì được xếp thành đại án; cũng không phải vì một vụ án dính líu đến các quan chức cỡ lớn hay có tiềm năng kéo vào vòng tù tội các quan chức đang tại vị thì người ta coi nó là đại án.

{keywords}

Vụ án Hà Văn Thắm và ngân hàng OceanBank đang xét xử là một "đại án", là bài học cho sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước vào điều hành, kinh doanh tiền tệ ở ngân hàng. Ảnh: TL/ TBKTSG

Lấy chuyện tham nhũng làm ví dụ. Dư luận có thể so sánh một vụ án trong đó khoản tiền tham nhũng lên đến cả ngàn tỉ đồng với một vụ án “tham nhũng vặt” vài chục triệu đồng để xem vụ án đầu là “lớn”, vụ án sau là “nhỏ”. Nhưng thực tế có phải như vậy chăng?

Giả thử vụ án tham nhũng vặt được xét xử công minh, làm cho người dân thấy không cán bộ nào có thể lợi dụng chức vụ và quyền hạn mà Nhà nước trao cho họ để hù dọa người dân hay doanh nghiệp hòng ăn bẩn những khoản tiền tuy nhỏ nhưng phổ biến, đi đâu cũng gặp, làm việc gì cũng bị vòi vĩnh. Một bản án đúng người đúng tội được tuyên; cán bộ nhìn vào đó để sợ mà không dám nhũng lạm, người dân nhìn vào đó để mạnh dạn chống lại cái xấu mà không sợ bị o ép hay trả thù. Vụ án đó đâu phải là “nhỏ”!

Nhìn rộng ra, mỗi vụ án là một trường hợp riêng lẻ, quan tòa ắt sẽ xử theo luật pháp đúng với bản chất của vụ việc chứ không bao giờ có ý nghĩ dùng bản án này để răn đe xã hội. Thế nhưng tác dụng của từng bản án lên xã hội là có, từ đó mới toát lên tinh thần thượng tôn pháp luật vì tin tưởng vào sự công minh của hệ thống pháp lý. 

Một ông quan cỡ nhỏ, có hành vi quấy rối tình dục với nhân viên cấp dưới - nghe qua rất dễ xem là vụ án nhỏ xíu! Thế nhưng xét xử công minh, phán quyết đúng tội sẽ tạo ra một hiệu ứng to lớn là nhân viên thấp cổ bé họng ở mọi cơ quan nhà nước từ nay yên tâm sẽ có công lý bảo vệ họ khỏi sự quấy nhiễu, để họ có thể cương quyết và cứng rắn đáp trả nếu xảy đến với họ. 

Một giáo viên, đã dạy suốt 15 tháng nhưng không nhận được đồng lương nào chỉ vì đơn vị hành chính đã làm không đúng quy định trong khâu tuyển dụng. Thay vì làm đơn xin cứu xét, giả thử thầy giáo này kiện ra tòa; tòa không những xử thắng bắt trả đủ lương còn thiếu mà còn bắt đền bù một khoản tiền lớn vì những thiệt hại về tinh thần. Vụ án như thế có thể xem là nhỏ hay chăng, khi nó sẽ được giáo viên cả nước tham khảo để giúp họ kiện bất kỳ lúc nào quyền lợi lương bổng của họ bị chính quyền địa phương xâm phạm? 

Cách nhìn án thành “đại” hay “tiểu” sẽ làm méo mó tinh thần công lý. Nếu cứ chăm chăm vào các vụ “đại án” với kỳ vọng chúng sẽ làm xoay chuyển tình hình một cách nhanh chóng, chúng ta sẽ quên hàng ngàn vụ án bình thường khác nhưng phản ánh muôn mặt của cuộc sống. Chính những vụ án như thế mới xây dựng được lòng tin của người dân vào công lý và từ đó tác động ngược trở lại cách hành xử dựa vào luật lệ, dựa vào sự công minh để sống theo tinh thần “thượng tôn pháp luật” cho cả xã hội.  

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt