Theo báo cáo gần đây của Project.co, trong môi trường doanh nghiệp hiện nay, tùy theo ngành nghề, mỗi người sẽ đặt bình quân 25-30 câu hỏi mỗi ngày. Tuy nhiên, theo khảo sát của HR Magazine, 46% nhân viên thường xuyên nhận được những câu trả lời hướng dẫn khó hiểu hoặc không rõ ràng, dẫn đến lãng phí 40 phút năng suất lao động mỗi ngày.

Công việc bận rộn thường khiến nhân viên lẫn cấp quản lý khó giao tiếp với nhau, đặc biệt nếu đó không phải là vấn đề cấp bách. Nhân viên phải tự vật lộn để tìm câu trả lời giữa kho tài liệu đồ sộ hoặc liên tục đặt câu hỏi cho đồng nghiệp để tìm kiếm trợ giúp. 

Kết quả của việc giao tiếp nội bộ kém là 68% người cảm thấy lãng phí thời gian, 42% cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi, 53% tin nhắn bị nhỡ, 35% tập tin tài liệu bị mất, thậm chí 10% nhân viên chán nản dẫn đến nghỉ việc.

chuyen doi so doanh nghiep.jpg
Sự xuất hiện của các mô hình trợ lý ảo được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề kém hiệu quả trong giao tiếp nội bộ của các doanh nghiệp hiện nay. 

Noventiq, nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp về chuyển đổi số, an ninh mạng mới đây đã chính thức ra mắt trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo “AI Weaver Peer” do công ty thành viên Intellya thiết kế và phát triển. 

Chia sẻ về AI Weaver Peer, ông Atul Ahuja, Giám đốc Công nghệ của Noventiq cho hay, ứng dụng AI trong bối cảnh kinh doanh hiện đại không chỉ đơn thuần là một lựa chọn, mà là xu thế tất yếu.

AI Weaver Peer được xây dựng nhằm trực tiếp giải quyết vấn đề giao tiếp nội bộ trong doanh nghiệp. Trợ lý ảo mới trong hệ sinh thái giải pháp AI Tạo sinh (Generative AI) do Noventiq cung cấp, được xem là một trong những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.

Với doanh nghiệp, AI Weaver Peer cho phép đào tạo nội bộ tự động và liền mạch, phù hợp với các quy trình và chính sách của công ty, đơn giản hóa việc chia sẻ chuyên môn để nhân sự mới nhanh chóng thích nghi. 

Đối với nhân viên, AI Weaver Peer trao quyền cho họ tiếp cận hiệu quả nguồn tài nguyên kiến ​​thức của công ty, đặt câu hỏi và nhận ngay về câu trả lời chất lượng theo thời gian thực, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất làm việc.

Bằng cách kết hợp các mô hình AI tạo sinh và học máy tiên tiến, AI Weaver Peer dễ dàng tích hợp vào hệ thống doanh nghiệp. Trợ lý ảo này hoạt động đồng bộ và liền mạch trên các kênh giao tiếp phổ biến như Microsoft Teams, WhatsApp, Viber…

Ngoài ra, AI Weaver Peer còn cung cấp cách tiếp cận cá nhân hóa phù hợp với từng vị trí cấp bậc nhân sự, nhằm đảm bảo tuân thủ chính sách thông tin nội bộ.

Tại Việt Nam, sự xuất hiện và nổi lên của ChatGPT cũng đã thúc đẩy công nghệ AI phát triển mạnh. Nhiều sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo của người Việt cũng đã ra đời để đón đầu xu hướng. Trong đó, hai sản phẩm AI nổi bật nhất là trợ lý ảo pháp luật phục vụ ngành Tòa án Việt Nam do Viettel phát triển và nền tảng FPT.AI của Tập đoàn FPT.