Loạt rào cản
Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp sang Liên minh châu Âu (EU).
Các nước muốn xuất khẩu gỗ vào EU phải có hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) xác minh được nguồn gốc sản phẩm gỗ hợp pháp. EU sẽ chỉ cho phép nhập khẩu gỗ có giấy phép FLEGT.
Từng tham gia một số vòng đàm phán VPA, ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ chia sẻ: Tên hiệp định lúc đầu chỉ có tính “tự nguyện” đáp ứng, nhưng giờ đây, với xu hướng sống xanh, thương mại xanh, thị trường và người tiêu dùng EU muốn sản phẩm gỗ nhập khẩu phải đáp ứng các quy định khá nghiêm ngặt, thị trường châu Âu đủ lớn để biến “tự nguyện” thành “bắt buộc”.
VPA đưa ra một loạt tiêu chí gồm: Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, quản lý, môi trường và xã hội, xử lý gỗ tịch thu, nhập khẩu gỗ, vận chuyển, mua bán, chế biến gỗ, xuất khẩu, quy định về thuế và người lao động...
Các tiêu chí nêu trên trở thành rào cản kỹ thuật lớn với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của nhiều nước đang phát triển như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam…
“Về ngắn hạn, những yêu cầu khó đáp ứng của EU có thể gây khó khăn, tác động tiêu cực với sự phát triển của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt, nhưng về dài hạn sẽ tốt cho phát triển bền vững của đất nước”, ông Cường nêu quan điểm.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở châu Á (sau Indonesia) ký kết VPA với EU.
“Chúng ta đã rốt ráo chuẩn bị tạo khung khổ chính sách, tăng cường kiểm tra, quản lý theo đúng yêu cầu đã cam kết. Tuy nhiên, việc cấp phép FLEGT cho từng lô hàng gỗ xuất khẩu thì vẫn đang băn khoăn xem nên áp dụng thế nào cho đồng bộ với EUDR - Quy định của EU về không gây mất rừng và suy thoái rừng”, ông Hoài cho biết.
Để thực hiện EUDR, Việt Nam phải làm 2 việc: Một là phải tuyên bố thực hành trách nhiệm giải trình (DDS) về nguồn gốc gỗ. Hai là thiết lập bằng chứng điện tử về tọa độ địa lý khoảnh rừng/lô khai thác gỗ, đảm bảo không chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng tự nhiên sang rừng trồng hoặc sang các loại cây công nghiệp khác.
“Những quy định này có vẻ khó về mặt kỹ thuật. Hiện các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã tương đối sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của EU. Có rất nhiều chủ thể liên quan đến câu chuyện này, từ nông dân, thương lái, đại lý làm dịch vụ vận chuyển, doanh nghiệp đầu chuỗi chế biến và xuất khẩu ra các sản phẩm xuất khẩu sang EU. Chúng tôi phải xây dựng văn bản hướng dẫn cho tất cả các chủ thể liên quan đến chuỗi cung ứng để đảm bảo thực thi EUDR một cách nghiêm túc nhất, tạo tình thế win – win, tất cả các bên cùng thắng”, ông Hoài nói.
Cũng theo ông Hoài, dù sản lượng gỗ Việt xuất khẩu sang EU ít hơn so với Mỹ và các quốc gia khác, nhưng Việt Nam sẽ kiên quyết tuân thủ EUDR để phát đi thông điệp rằng Việt Nam rất quan tâm đến những vấn đề liên quan đến rừng và công nghiệp gỗ, làm cho các thị trường khác cũng phải “tâm phục khẩu phục”.
“Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam coi những câu chuyện liên quan đến quy định rất ngặt nghèo của EU về không gây mất rừng, không suy thoái rừng vừa như thách thức rất lớn vừa là cơ hội. Hiện nay, một số quốc gia lân cận như Malaysia, Thái Lan… phản ứng kịch liệt quy định này. Nếu chúng ta đáp ứng tốt thì có thể duy trì được thị trường, thậm chí tăng thị trường. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tự tin Việt Nam có thể thực thi được EUDR”, ông Hoài nhấn mạnh.
Câu chuyện “Tồn tại hay không tồn tại”
Xuất khẩu sản phẩm gỗ tới hơn 140 quốc gia, Việt Nam đã vượt qua một số nước như Ba Lan, Italia, Đức… để trở thành nước xuất khẩu nhiều đồ mộc thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc).
Bà Trần Thị Thu Huyền, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính lưu ý, nhiều hiệp định, quy ước, công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết đề cập tới kiểm soát bền vững, chống xuất nhập khẩu gỗ bất hợp pháp. Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ nhiều điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển rừng bền vững, phát triển sản phẩm từ gỗ một cách bền vững.
Chẳng hạn, đạo luật Lecy của Hoa Kỳ ban hành từ năm 2008, hiệu lực từ tháng 4/2010, cấm nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ phải khai báo nguồn gốc gỗ và thực hiện trách nhiệm giải trình. Nếu vi phạm có thể bị xử phạt nặng, từ tịch thu lô hàng nhập khẩu đến phạt tiền hoặc bỏ tù.
Đạo luật gỗ sạch Nhật Bản có vẻ nương tay hơn, khuyến khích thực thi chứ không bắt buộc. Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nước ngoài được khuyến khích cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp cho thị trường Nhật Bản.
Đạo luật Hàn Quốc về gỗ bền vững cũng tương tự Nhật Bản.
Quá nhiều “nội soi” gỗ và sản phẩm gỗ do các vấn đề nhạy cảm về môi trường và các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là khi Việt Nam đã trở thành một trong những nhà cung ứng gỗ hàng đầu trên thế giới, mọi sự chú ý càng đổ dồn vào nhiều hơn.
“Sản xuất xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh đang là xu hướng tất yếu. Nếu chúng ta phát triển ngành công nghiệp gỗ tai tiếng, góp phần phá rừng, làm phát thải khí nhà kính thì chắc chắn các thị trường nhập khẩu gỗ sẽ tẩy chay. Tuân thủ quy định về quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ có trách nhiệm, đảm bảo gỗ hợp pháp đang là câu chuyện “Tồn tại hay không tồn tại” đối với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam – ngành mũi nhọn xuất khẩu, thu ngoại tệ về cho đất nước”, ông Hoài chia sẻ thêm.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho hay, nguồn cung gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu ha rừng trồng, chủ yếu cây keo, cung cấp 35 – 40 triệu m3 gỗ/năm (gỗ̃ nhỏ, làm dăm và viên nén); và 900 ngàn ha cao su tiểu điền, cung cấp 3 – 4 triệu m3 gỗ/năm.
Số hóa quản lý rừng, cấp mã số vùng trồng là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm đáp ứng loạt yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu gỗ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Lâm nghiệp cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm cấp mã vùng trồng, số hóa quy trình cấp mã số cho vùng trồng rừng, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý toàn bộ tài nguyên rừng của Việt Nam.
Theo kế hoạch, từ tháng 7/2024 đến tháng 7/2026 sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu với mục tiêu rút kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trước khi nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Từ năm 2026 trở đi, quá trình cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.
Việt Nam sẽ sớm có định danh số cho tất cả các lô rừng trồng trên cả nước, bao gồm đầy đủ thông tin về chủ rừng, quyền sử dụng đất, vị trí tọa độ địa lý và hiện trạng vùng trồng rừng.
GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá cao hoạt động số hóa vùng trồng rừng gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu cho các chủ rừng trên phạm vi toàn quốc sẽ đáp ứng yêu cầu quốc tế về việc minh bạch hóa thông tin nguồn gốc sản phẩm và công nghệ để tạo ra sản phẩm.
Khi mã số vùng trồng rừng theo lô gỗ hợp pháp đi vào chuỗi cung ứng quốc tế, gỗ Việt xuất khẩu sẽ có thêm nhiều cơ hội khởi sắc hơn.