Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,3 tỷ USD

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan vừa ký Chỉ thị về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2025.

Chỉ thị nêu rõ, năm 2024, trước tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, phức tạp; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân.

Bên cạnh đó, tình hình xung đột địa chính trị trên thế giới làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu, trong đó có sản phẩm nông, lâm nghiệp. 

xuat khau go.jpg
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 17,3 tỷ USD. Ảnh: Đồng Gia

Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, cả nước đã trồng được 245.000 ha rừng trồng tập trung và 130 triệu cây xanh phân tán.

Ngoài ra, còn đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng gần 23 triệu m3 gỗ; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%; công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, cháy rừng giảm đáng kể cả về số vụ và diện tích rừng bị thiệt hại.

Năm 2024, thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt gần 17,3 tỷ USD, vượt 13% so với kế hoạch năm 2024 và tăng 19% so với năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó lường. Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư cho lâm nghiệp còn hạn chế, đời sống và thu nhập của người dân làm nghề rừng còn thấp.

2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tạo điều kiện để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng

Tại chỉ thị, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng; về ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng,... Đề nghị tổ chức “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả. 

lam nghiep
Việt Nam có tiềm năng lớn trong bán tín chỉ carbon rừng. Ảnh: Quỳnh Hương

Phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng cây xanh theo kế hoạch của địa phương trong thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. 

Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2025 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Bên cạnh đó, phải đổi mới, tổ chức lại sản xuất và nhân rộng các mô hình có hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ lâm sản, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp theo hướng phát triển nông lâm nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp. 

Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái; chế biến, xuất khẩu lâm sản đáp ứng theo tiêu yêu cầu, chuẩn quốc tế; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon và phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng.