Khó quản lý đầu tư “chui”
Thực trạng đáng quan ngại vừa được ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) chia sẻ tại Tọa đàm “Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu” ngày 6/12.
Ông Liêm kể: “Năm 2022-2023, đầu tư vốn FDI vào ngành gỗ ở Bình Dương và Bình Phước rất lớn. Năm ngoái có 22 dự án FDI ở Bình Dương, 25 dự án ở Bình Phước. Năm nay Bình Dương có 7 dự án và Bình Phước 8 dự án. Doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc đến đầu tư rất nhiều”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, nếu chủ doanh nghiệp lớn đầu tư đàng hoàng, mua đất đầu tư nhà máy, tổng mức đầu tư 1 nhà máy ít nhất cũng 30-40 triệu USD.
Mức đầu tư bình quân 5 triệu USD/dự án là do doanh nghiệp Trung Quốc chỉ sang thuê xưởng, thuê máy móc thiết bị hoặc nhập hàng “second hand” (đã qua sử dụng). Hoặc có thể họ làm chuỗi doanh nghiệp nhỏ, trong đó 1 doanh nghiệp “trụ cột” đầu tư để làm xuất khẩu, còn nhiều doanh nghiệp khác thuê xưởng nhỏ làm ghế, bàn, giường… rồi chuyển cho doanh nghiệp “trụ cột” đó.
“Mong các cơ quan quản lý giám sát chặt hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp từ các quốc gia có yếu tố nhạy cảm. Nếu chúng ta không làm sớm, không làm nhanh, không quản lý được các doanh nghiệp FDI có hoạt động đầu tư không minh bạch thì rất có thể gặp vấn đề rủi ro lớn khi xuất khẩu, có thể bị khiếu kiện về nguồn gốc xuất xứ bất hợp pháp”, ông Liêm đề xuất.
Tiềm ẩn rủi ro lớn
Trao đổi bên lề sự kiện, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nhấn mạnh, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu gỗ nhập khẩu là việc rất quan trọng. Nếu để xảy ra hiện tượng lẩn tránh xuất xứ khi xuất khẩu sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp thương mại.
Gần đây, doanh nghiệp gỗ Việt dần có xu hướng không sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu mà sử dụng nguồn gỗ trong nước để sản xuất ra những mặt hàng cao cấp đáp ứng yêu cầu nguồn gốc lâm sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ hoặc châu Âu, Đông Bắc Á…
“Khoảng 6-7 năm nay, nhiều sản phẩm gỗ cao cấp tại Bình Định được làm từ gỗ rừng trồng của Việt Nam (gỗ cao su, keo, thông…), hoàn toàn có thể thay thế gỗ nhập khẩu của nước ngoài, đặc biệt là từ Nga hoặc Trung Quốc, tránh được rủi ro thương mại khi xuất khẩu sang Mỹ”, ông Lập thông tin.
Đánh giá cao con số 9 tỷ USD xuất khẩu gỗ Việt vào thị trường Mỹ, TS. Huỳnh Thế Du, Quản lý Chương trình Chính sách công và Môi trường, Đại học Indiana (Mỹ) lưu ý: Rất nhiều nguồn nguyên liệu gỗ của ta nhập khẩu từ nơi khác. Mỹ yêu cầu gỗ phải có nguồn gốc hợp pháp, đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý và môi trường. Nếu không kiểm soát tốt khâu nhập khẩu và đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực.
Thực tế những năm gần đây, gỗ Việt xuất khẩu đã phải đối diện không ít vụ việc điều tra của Mỹ. Đáng chú ý là vụ điều tra phòng vệ thương mại với gỗ dán, vụ điều tra lẩn tránh thuế đối với mặt hàng tủ gỗ, vụ điều tra 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam…
“Ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước rủi ro sắp tới có thể lại bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, điều tra phòng vệ thương mại, không chỉ với thị trường Mỹ mà còn cả Hàn Quốc và nhiều thị trường khác. Điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp phức tạp hơn rất nhiều so với điều tra lẩn tránh thuế. Doanh nghiệp Việt phải sẵn sàng tâm thế chuẩn bị đối mặt với rủi ro”, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương khuyến nghị.
Trả lời phỏng vấn bên lề sự kiện, ông Tô Xuân Phúc, đại diện Nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Forest Trends cảnh báo một số tín hiệu bất thường từ luồng cung một số sản phẩm đồ gỗ tháo rời được nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi (tốc độ tăng trưởng hơn 100% trong khoảng 1 năm). Không ngoại trừ chuyện những sản phẩm đó lấy tên thương hiệu Việt để xuất khẩu sang thị trường khác mà không đảm bảo các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu hợp pháp, gây rủi ro lớn cho ngành gỗ Việt.
“Ngành gỗ phải tìm hiểu kỹ càng xem những mặt hàng này đến từ thị trường nào, dừng lại ở Việt Nam hay sẽ đi tiếp sang các quốc gia khác, cảnh báo thông tin cụ thể cho các doanh nghiệp. Hiệp hội gỗ có thể kiến nghị Chính phủ có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn với các luồng cung nhập khẩu gỗ để tránh rủi ro liên quan vấn đề chuyển dịch xuất xứ. Chính phủ cần đưa ra cơ chế kiểm soát tốt hơn nữa để ngành gỗ tránh được rủi ro về chuyện đầu tư nước ngoài “núp bóng” tại Việt Nam”, ông Phúc bày tỏ.
Nên ứng dụng công nghệ để giảm thiểu rủi ro
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ đã làm việc với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Cục Phòng chống buôn lậu) về vấn đề hạn chế nhập khẩu hàng chuyển chuỗi xuất xứ.
Hiệp hội cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xác định rõ ràng nguồn gốc lâm sản, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu về kinh doanh gỗ hợp pháp trong chuỗi cung ứng gỗ ra thế giới.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Lập quan ngại.
Trong số những việc doanh nghiệp gỗ Việt cần làm để có thể thích ứng với sự thay đổi của thị trường xuất khẩu, ông Lập cho rằng, ưu tiên số 1 là nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu, từ sản xuất giảm phát thải, sản xuất minh bạch, gỗ phải hợp pháp và truy xuất được nguồn gốc…, đến giá thành cạnh tranh, mẫu mã đẹp.
“Doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, áp dụng các phần mềm vào khâu quản trị, đưa công nghệ kỹ thuật mới vào hỗ trợ sản xuất để tăng năng suất. Công nghệ cũng sẽ giúp truy xuất nguồn gốc xuất xứ hiệu quả, giảm thiểu rủi ro khi tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu”, ông Lập tư vấn.
Bàn về giải pháp giúp giảm thiểu rủi ro, ông Tô Xuân Phúc lưu ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản yêu cầu các sở kế hoạch đầu tư và các địa phương khi đón nhận đầu tư FDI vào ngành gỗ phải kiểm tra rất kỹ luồng FDI này. Một trong những yêu cầu được đưa ra là các địa phương nên tham vấn các hiệp hội gỗ trước khi ra quyết định có cho phép đầu tư hay không. Tuy nhiên thực tế, việc này vẫn chưa được thực hiện hiệu quả.
“Để giảm thiểu rủi ro, thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại nên thành lập nhóm công tác cùng các hiệp hội gỗ rà soát lại các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam có tín hiệu rủi ro về mặt thương mại; cùng phối hợp để đưa ra giải pháp kịp thời nhất giúp ngành gỗ phát triển bền vững hơn trong tương lai”, ông Phúc khuyến nghị thêm.
Theo dự báo của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể đạt hơn 16,2 tỷ USD. Riêng xuất khẩu sang Mỹ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD; trong khi nhập khẩu từ thị trường Mỹ đạt trên 230 triệu USD; đồng nghĩa ngành gỗ Việt đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD sang thị trường này. |