Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật nội soi 3D thành công cho bệnh nhân bị co thắt tâm vị.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 1/3/2022 của UBND tỉnh "Về thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Sở Y tế đã xây dựng các kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2023; thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành Y tế; triển khai phát triển dữ liệu số, nền tảng số y tế theo nhiệm vụ chung của tỉnh giao. 

Ông Trịnh Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Từ rất sớm, ngành Y tế tỉnh đã xác định ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, hầu hết các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT (mạng LAN, đường truyền internet...); hệ thống phần mềm quản lý thông tin bệnh viện, giúp quy trình KCB cho nhân dân được thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng, đồng bộ...

Bên cạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết các cơ sở KCB và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế có sự đầu tư về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng CNTT, từng bước số hóa trong hoạt động, tạo điều kiện giúp các đơn vị chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ KCB và phòng, chống dịch bệnh.

Hiện 100% các đơn vị y tế trong tỉnh thực hiện nghiêm túc việc xử lý công việc ở cả 3 cấp (từ tỉnh đến xã) trên hệ thống chính quyền điện tử; sử dụng, khai thác ổn định, hiệu quả các phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ nhiệm vụ công tác chuyên môn, như: Phần mềm một cửa điện tử; hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh…

Qua đó cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân về TTHC và tình hình giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng Internet. Ngành hoàn thành triển khai liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử tại các cơ sở y tế của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia trực tuyến mức độ 3 và 4. 

Nhân viên y tế Bệnh viện Sản Nhi tỉnh thực hiện y lệnh trên xe tiêm thông minh.

Tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trong tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR Code hoặc Mobile money, thẻ POS liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số tiền giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt toàn ngành chiếm trên 60%.

Ngành Y tế tỉnh tiếp tục chỉ đạo nâng cấp phần mềm quản lý thông tin KCB (HIS/LIS/PACS/EMR) tại các bệnh viện, trung tâm y tế để đáp ứng các tiêu chí xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ. Quảng Ninh đã có 4 đơn vị y tế (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà) được công nhận thực hiện bệnh án điện tử trong KCB. Quy trình này đã giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi cho người bệnh, nâng cao hiệu quả hội chẩn chuyên gia từ xa, giảm chi phí và bảo vệ môi trường khi không phải in phim.

Các phần mềm quản lý thông tin KCB đã đáp ứng việc kết nối liên thông dữ liệu KCB và thanh toán BHYT với cổng giám định BHXH Việt Nam, đơn thuốc quốc gia và Hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh. Các cơ sở y tế tích hợp được trên 380.000 thẻ BHYT vào CCCD để người dân KCB BHYT thuận tiện.

Ngành đã tạo lập và cập nhật dữ liệu của người dân trên địa bàn tỉnh lên Hồ sơ sức khỏe điện tử theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế; cơ bản hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại tỉnh. Đến tháng 11/2022 tỉnh có hơn 1,3 triệu nhân khẩu (đạt 94,3% dân số) được quản lý sức khỏe và đồng bộ tích hợp lịch sử KCB với ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” của người dân; 100% dữ liệu KCB tại các đơn vị được liên thông dữ liệu với Hồ sơ sức khỏe.

Ngành triển khai có hiệu quả các nền tảng số quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Y tế, của tỉnh như: Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; quản lý tiêm chủng; quản lý trạm y tế xã; phần mềm khảo sát ý kiến người dân; cửa khẩu số; địa chỉ số…

Theo Nguyễn Hoa (Báo Quảng Ninh)