Tỉnh Yên Bái xác định, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sự hài lòng và hạnh phúc của người dân địa phương; coi chuyển đổi số là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Để thực hiện được điều đó, thời gian qua, bên cạnh việc tập trung phát triển hạ tầng và các trụ cột chuyển đổi số, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, coi đây là khâu then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững.

Tỉnh Yên Bái chủ động tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh, cụ thể hóa bằng 7 yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước tỉnh Yên Bái. 

Tỉnh cũng đã tập trung mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân; đầu tư xây dựng hạ tầng, phần cứng, phần mềm đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin như: trang bị phần cứng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng tỉnh, đầu tư mua sắm phần mềm phòng chống mã độc tập trung; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống mạng của các sở, ngành, địa phương; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác an toàn thông tin mạng… 

Đặc biệt tỉnh cũng chú trọng cho các cán bộ, học viên tham gia các buổi tập huấn, diễn tập thực chiến an toàn thông tin  tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; tìm hiểu các quy trình ứng cứu và điều phối sự cố cho các đơn vị trong bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; hướng dẫn sử dụng các công cụ cho đội phòng thủ, tấn công mạng; sử dụng các công cụ rò quét, khắc phục sự cố; nắm bắt quy trình hiệp đồng để sẵn sàng phối hợp xử lý các tình huống mất an toàn thông tin mạng phát sinh.

anh chup man hinh 2024 01 23 luc 130353.png
Yên Bái tổ chức diễn tập thực chiến an toàn thông tin năm 2023 cho gần 100 cán bộ, kỹ thuật chuyên trách, bán chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Được biết, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 41 thành viên đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của các sở, ban, ngành, địa phương; cử 20 cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin an toàn thông tin mạng tham gia 3 khóa đào tạo, thi chứng chỉ quốc tế về quản trị mạng, an toàn thông tin mạng (20 người đào tạo chứng chỉ CCNA, 5 người đào tạo CND, 5 người đào tạo ECIH, 1 người đào tạo OSCP); tổ chức diễn tập thực chiến và bồi dưỡng cho 98 cán bộ kỹ thuật, chuyên trách, bán chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Hệ thống SOC gồm hệ thống máy chủ, phần mềm phân tích, màn hình giám sát và các thiết bị phụ trợ được kết nối tới các máy chủ Sensor tại các sở, ban, ngành, địa phương có nhiệm vụ thu thập các thông tin về sự cố an toàn thông tin của các máy tính trong mạng nội bộ của cơ quan, mỗi máy tính được cài đặt các phần mềm giám sát như: tường lửa, phòng chống mã độc, kiểm soát chống sao chép dữ liệu, phát hiện và ứng phó điểm cuối.

Khi có sự cố về mất an toàn thông tin trong hệ thống, tín hiệu cảnh báo được truyền về hệ thống màn hình giám sát của SOC. Tại đây, kỹ thuật viên sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát địa chỉ IP máy phát sinh sự cố, đánh giá mức độ nguy hiểm và đưa ra phương án xử lý. Hiện nay, hệ thống SOC tỉnh Yên Bái đã kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Đặc biệt, Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng tỉnh Yên Bái (SOC) đã được cài đặt vận hành theo mô hình hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, đảm bảo an toàn thông tin cấp tỉnh và hoạt động với 11 module triển khai theo mô hình bảo vệ 4 lớp giám sát (gồm: lớp mạng, lớp máy chủ, lớp ứng dụng, lớp thiết bị đầu - cuối); giám sát và bảo vệ 3.113 máy tính của các cơ quan, đơn vị; giám sát an toàn lớp mạng cho 38 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; giám sát, bảo vệ 42 ứng dụng, trang thông tin của các cơ quan, đơn vị; giám sát toàn bộ hệ thống máy chủ đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Yên Bái.

Hệ thống quản lý mã độc phát hiện và xử lý 1.662 mã độc; tiếp nhận và xử lý 3 IP BOTNET trong năm. Bước đầu đã kiểm soát được mã độc cho các hệ thống và bóc gỡ kịp thời, góp phần củng cố, đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin và nâng cao kiến thức về an toàn thông tin mạng cho lực lượng làm công tác ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Yên Bái và các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Giai đoạn 2021-2022, tỉnh Yên Bái đã huy động lồng ghép các nguồn lực, bố trí tổng kinh phí cho nhiệm vụ chuyển đổi số là 341 tỷ 394 triệu đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 161 tỷ 394 triệu đồng, vốn ngoài ngân sách là 180 tỷ đồng.

Theo báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022, được Bộ TT&TT công bố hồi tháng 8/2023, tỉnh Yên Bái tăng 12 bậc, xếp vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành phố.

Yên Bái cũng là 1 trong 9 địa phương đứng đầu về nhận thức số, 1 trong 10 địa phương đứng đầu về nhân lực số. Xếp thứ 9 trong đảm bảo An toàn thông tin mạng, đứng thứ 15 trong xếp hạng thể chế số và xếp thứ 11 trong hoạt động kinh tế số. Yên Bái cũng chưa ghi nhận một cuộc tấn công lớn nào vào hệ thống dùng chung của tỉnh. 

Bạt Tuấn và nhóm PV, BTV