Theo số liệu của NEAC, dịch vụ CA công cộng ở Việt Nam đang được cung cấp chủ yếu cho doanh nghiệp sử dụng trong các hoạt động: Kê khai thuế điện tử, Bảo hiểm xã hội điện tử..., với số lượng 648.000 doanh nghiệp đang hoạt động (Ảnh minh họa: Internet). |
Theo thông tin từ Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), đến nay thị trường chữ ký số công cộng đã có sự tham gia của 10 nhà cung cấp dịch vụ gồm VNPT-CA, BKAV-CA, FPT-CA, Viettel-CA, Safe-CA, SmartSign (VinaCA), CA2 (Nacencom), Newtel-CA, EFY-CA và TrustCA. Trong đó, EFY-CA của Công ty CP Công nghệ Tin học EFY Việt Nam đi vào hoạt động từ tháng 8/2018 và TrustCA của Công ty cổ phần Công nghệ SAVIS vừa được cấp phép hoạt động trong tháng 1/2019.
Số liệu thống kê của NEAC cũng cho thấy, dịch vụ CA ở Việt Nam đang được cung cấp chủ yếu cho doanh nghiệp sử dụng trong các hoạt động: Kê khai thuế điện tử, Bảo hiểm xã hội điện tử, với số lượng 648.000 doanh nghiệp. Lượng doanh nghiệp này vài năm trở lại đây đang ổn định, số lượng doanh nghiệp tăng lên không nhiều, tỉ lệ thành lập mới và giải thể gần như tương đương. Trong khi đó, thị trường chứng thư số cho cá nhân hiện vẫn chưa phát triển. Số lượng thuê bao chữ ký số cá nhân còn rất hạn chế, chỉ chiếm 1% tổng chữ ký số được cấp phát và tập trung ở một số ứng dụng nội bộ.
Mới đây, trên cơ sở nghiên cứu về nhu cầu, thực trạng của thị trường CA công cộng tại Việt Nam, Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử (VCDC), tổ chức xã hội nghề nghiệp thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã chính thức có đề xuất, kiến nghị với Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia - Bộ TT&TT về vấn đề cần thiết quy hoạch thị trường nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng thực chữ ký số công cộng ở Việt Nam.
Trong 10 CA công cộng đã được cấp phép hoạt động, TrustCA của SAVIS là đơn vị mới, 9 CA công cộng còn lại gồm Viettel, VNPT, FPT, Bkav, CA2, VINA CA, NewCA, SafeCA, EFY CA cùng nhau chia sẻ thị trường gồm 648.000 doanh nghiệp đang hoạt động. VCDC phân tích, theo thống kê của NEAC, tổng số chứng thư số đang hoạt động là khoảng 1 triệu, như vậy mỗi CA đang cung cấp khoảng 100.000 chứng thư số ra thị trường. Giá dịch vụ cung cấp đến người sử dụng hiện tại khoảng 600.000 đồng/ 1 năm, sau khi trừ chi phí bán hàng các đơn vị CA thu được 327.000 đồng/thuê bao/năm
Trong đó, với các CA đã tham gia thị trường đủ lâu (từ 6-8 năm), mỗi CA đang duy trì khoảng 100.000 thuê bao, hàng năm số lượng thuê bao hết hạn và gia hạn dịch vụ khoảng 30.000; số lượng thuê bao tăng mới của mỗi CA khoảng 8.000; chi phí khấu hao hệ thống mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng; để duy trì dịch vụ cho khách hàng mỗi năm các CA phải tốn một khoản chi phí khoảng 5 tỷ đồng.
“Như vậy, tổng doanh thu hàng năm mỗi CA thu được khoảng hơn 12,4 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí mỗi năm, một đơn vị CA đang có khoản lợi nhuận hơn 1,4 tỷ đồng bình quân mỗi tháng một đơn vị với quy mô hàng trăm nhân sự thu về lợi nhuận khoảng 100 triệu, đây là một con số khiêm tốn so với chi phí đầu tư khoảng 20 – 30 tỷ đã bỏ ra ban đầu”, VCDC nhận định.
Đối với các đơn vị CA mới thành lập, theo thống kê của VCDC về doanh thu và chi phí trong vòng 5 năm, một CA mới thành lập chi phí đầu tư ban đầu khoảng 15- 20 tỷ đồng và phải cần hoạt động ít nhất 5 năm các CA này mới bắt đầu có lợi nhuận, trong khi chi phí ban đầu bỏ ra khá lớn.
Thông tin thêm về thị trường chữ ký số ở một số nước trên thế giới, VCDC nêu, năng lực của mỗi CA trên thế giới sẽ phải cấp phát và duy trì hoạt động được khoảng 3,1 triệu thuê bao, đặc biệt có Hàn Quốc mỗi CA cấp phát và duy trì hoạt động cho khoảng 7,4 triệu thuê bao; thấp nhất là Việt Nam mỗi CA hiện chỉ cấp phát và duy trì hoạt động cho khoảng 0,11 triệu thuê bao.
So sánh số liệu thị trường CA ở một số quốc gia châu Á (Nguồn ảnh: VCDC) |
Biểu đồ so sánh tương quan giữa số đơn vị CA và số thuê bao tương ứng của một số nước châu Á (Nguồn ảnh: VCDC) |
Nhấn mạnh việc mỗi CA ở Việt Nam đang chỉ cung cấp, duy trì hoạt động cho khoảng 100.000 thuê bao cho thấy khả năng cung ở Việt Nam đang lớn hơn cầu rất nhiều, đại diện VCDC cho rằng: “thị trường dịch vụ CA tại Việt Nam bị mất cân đối”.
“Khả năng cung cấp dịch vụ cao hơn nhu cầu dẫn đến việc cạnh tranh quá mức cần thiết dẫn đến giảm giá, chạy đua để có lợi, bỏ qua một số khâu như Hồ sơ, Giấy tờ đồng thời lừa đảo mạo danh xảy ra. Trung bình mỗi tháng các đơn vị CA nhận được 3.465 phản ánh của khách hàng về việc nhận được email, điện thoại lừa đảo, mạo danh để bán chữ ký số, đây là một con số rất đáng báo động, đặc biệt trong một lĩnh vực cần sự đảm bảo và uy tín cao như dịch vụ Chứng thực Chữ ký số công cộng”, đại diện VCDA chia sẻ.
Biểu đồ so sánh tương quan số thuê bao trung bình mỗi CA quản lý của một số quốc gia châu Á (Nguồn ảnh: VCDC) |
Từ những phân tích kể trên, VCDC đề xuất NEAC (Bộ TT&TT) xem xét việc tạm ngừng việc cấp phép thêm cho các CA mới để đảm bảo ổn định thị trường tránh lãng phí nguồn lực xã hội; định hướng mở rộng thị trường cho các CA phát triển bền vững; định kỳ xem lại việc cấp phép khi có thị trường đủ lớn; đồng thời xử lý các vấn đề bất cập của thị trường, tăng uy tín cho CA ở Việt Nam và Root CA để CA Việt Nam được tin tưởng, sử dụng trên thị trường quốc tế.
Trao đổi với ICTnews bên lề hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng chữ ký số và ký kết hợp tác phát triển chữ ký số trên nền tảng di động” được NEAC và VCDC phối hợp tổ chức mới đây, Phó Giám đốc NEAC Phạm Quốc Hoàn cho biết, các kiến nghị, đề xuất của VCDC đang được Trung tâm nghiên cứu, xem xét: “Tuy nhiên, VCDC mới chỉ phân tích một góc độ về phía thị trường và so sánh với một số nước có liên quan. Về phía Trung tâm, chúng tôi cũng đang xem xét kỹ hơn ở một số góc độ khác, kể cả vấn đề về pháp lý, vấn đề thị trường, bản chất dịch vụ... Chúng tôi cho rằng, sau khi xem xét, nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, Trung tâm mới có thể tham mưu cho Lãnh đạo Bộ TT&TT một phương án, quyết định kỹ hơn về việc này”.
Cho biết hiện nhiều CA công cộng đánh giá thị trường đã bão hòa và đề xuất Bộ TT&TT có quy hoạch thị trường, đại diện NEAC cho hay, năm 2019 Trung tâm đã được Lãnh đạo Bộ TT&TT giao nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá để đề xuất Quy hoạch thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
“Việc này vẫn đang được Trung tâm nghiên cứu. Là cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu của Trung tâm phải dựa trên căn cứ pháp lý, đồng thời phải nhìn nhận rõ vấn đề cung-cầu. Hiện có những đánh giá là cung đã vượt quá cầu, song chúng tôi cho rằng vẫn cần phải đánh giá sâu, kỹ hơn. Bên cạnh đó, năm nay, Trung tâm sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ về nhiều vấn đề liên quan, đơn cử như: tổ chức thanh, kiểm tra năng lực, chất lượng các CA để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới các khách hàng”, đại diện NEAC chia sẻ.