Hội nghị di động thế giới MWC 2018 sẽ là nơi mà các thương hiệu công nghệ ra mắt những thiết bị mới, giải pháp mới xoay quanh di động. Năm nay, Samsung, Sony, Nokia và nhiều thương hiệu đến từ Trung Quốc vẫn sẽ tham gia sự kiện này để trình làng những chiếc smartphone quan trọng trong năm. 

Tuy nhiên, bất luận việc sản phẩm nào sẽ ra mắt tại MWC, 2018 vẫn sẽ là năm khắc nghiệt đối với thị trường smartphone nói chung. Nguồn cung ứng linh kiện ngày càng đắt đỏ khiến những chiếc smartphone giá cả ngàn USD như iPhone X tiếp tục xuất hiện. Thị trường có dấu hiệu đi ngang khiến những tên tuổi "thấp cổ bé họng" phải bán mình hoặc lựa chọn từ bỏ cuộc chơi.

Dông bão chờ đón Apple

Cuối 2017, Apple vướng vào scandal cố ý làm chậm iPhone cũ. Dù đã lên tiếng xin lỗi và đưa ra phương án khắc phục, hãng vẫn đối mặt với hàng chục, hàng trăm vụ kiện trên toàn cầu. Niềm tin của người dùng còn bị thử thách nhiều hơn khi iOS, iPhone X và macOS liên tục dính lỗi vặt, càng cập nhật phần mềm càng gặp lỗi. 

Đó cũng là cơ hội không thể tuyệt vời hơn cho những thương hiệu smartphone Android giành lại khách hàng từ tay Apple.

Theo Nikkei, Apple đã phải cắt giảm các đơn hàng màn hình OLED và sản xuất iPhone X ít hơn dự kiến do tình trạng ế ẩm của model này. Dù vậy, nhờ có iPhone X, giá bán trung bình trên toàn cầu của iPhone đã cán mốc 796,42 USD, tăng gần như dựng đứng so với mức hơn 600 USD của quý trước đó, gấp đôi so với giá trung bình của một chiếc smartphone (tính cả Android lẫn iOS) trên toàn cầu. 

Giảm sản lượng kỳ vọng iPhone X, Apple có thể ra mắt thêm iPhone SE 2 vào cuối quý I và ba mẫu iPhone nữa vào tháng 9/2018. Trong đó, việc làm sao để những chiếc iPhone mới có mức giá hợp lý hơn và công nghệ đột phá hơn sẽ là bài toán mà Apple phải giải, nếu không muốn lặp lại câu chuyện của iPhone X.

Smartphone đắt đỏ hơn

Giá nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng rõ rệt đến các ông lớn như Apple, Samsung. Năm 2017, chiếc iPhone X có giá lên đến trên 999 USD, Galaxy Note 8 (930 USD) và Google Pixel 2 XL cũng đắt không kém. Vậy điều gì đang khiến chiếc smartphone ngày càng đắt đỏ hơn?

Thứ nhất, màn hình của smartphone ngày càng lớn hơn. Điều này diễn ra ở mọi phân khúc. Kích thước 5,5 inch dần phổ biến hơn, cùng với đó là xu hướng viền mỏng, tràn viền hoặc mặt kính cong. Công nghệ OLED cũng có mặt nhiều hơn trên những model cao cấp, góp phần đẩy giá bán trung bình của smartphone lên cao.

Thứ hai, giá chip nhớ flash NAND đã tăng liên tục trong nhiều tháng qua và khan hiếm về số lượng. Cuối 2017, Samsung và Hynix công bố tăng 10-20% giá bộ nhớ eMMC, eMCP và SSD. Trong khi đó Toshiba và Micron Technology cũng thông báo giảm số lượng đơn hàng có thể cung ứng vì khan hiếm. Tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2018.

Tương tự, Cobalt (coban) một trong những kim loại quan trọng dùng để sản xuất pin, cũng đang nằm trong nguy cơ khan hiếm và tăng giá do nhu cầu ngày càng cao của các hãng xe hơi chạy điện. Chỉ trong 18 tháng qua, giá cobalt đã tăng gấp ba. Hiện mỗi tấn có giá xấp xỉ 80.000 USD.

Thứ ba, đến từ sự "đua đòi" giữa các hãng công nghệ. Galaxy S9 và S9+ được đồn đoán sẽ có giá cả ngàn USD để "ngang cơ" với iPhone X, trong khi chính Samsung cũng góp phần đẩy giá iPhone X lên khi bán màn hình OLED giá 100 USD cho Apple. Tuy nhiên, đây chỉ mới dừng ở tin đồn, giá bán của Galaxy S9 và S9+ sẽ được công bố trong ngày ra mắt sắp tới.

Smartphone Trung Quốc tiếp tục bành trướng

Số liệu từ IDC cho thấy, kết thúc năm 2017, có đến 3 thương hiệu của Trung Quốc nằm trong top 5 hãng di động chiếm thị phần lớn toàn cầu. Ngoài Samsung và Apple chia nhau vị trí dẫn đầu, Huawei, Oppo và Xiaomi đang giữ ba vị trí kế tiếp.

Trong nhóm này, Huawei là cái tên đáng gờm nhất mà cả Samsung lẫn Apple nên sớm đề phòng. Thị phần của ngáo ộp đến từ Trung Quốc đã lên đến 10.%, rất gần với con số 14,7% của hãng công nghệ Hàn Quốc.

Top 5 hãng di động lớn nhất thế giới có đến 3 đại diện từ Trung Quốc.

Nhờ được hậu thuẫn vững chắc từ chính phủ Trung Quốc cộng với tiềm lực tài chính hùng hậu của một tập đoàn viễn thông ở thị trường gần 1,5 tỷ dân, Huawei giống như một gã công tử nhà giàu trong sân chơi di động. Hãng sẵn sàng tung ra những model trang bị khủng và bán ở mức giá thấp hơn nhiều so với các đối thủ, thậm chí bị la ó "bán phá giá", "phá thị trường".

Tuy thắng lợi ở một số thị trường mới nổi, nhưng Huawei đang gặp khó khăn tại Mỹ. 6 lãnh đạo của các cơ quan an ninh và tình báo ở Mỹ vừa nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng họ không khuyến khích người dân nước này sử dụng sản phẩn, dịch vụ của Huawei. Nhà mạng AT&T cũng đã "lật kèo" phút chót khiến kế hoạch bán ra chiếc Mate 10 Pro của Huawei ở thị trường quan trọng này tan thành mây khói. 

Trong khi Huawei đang chật vật với giấc mơ Mỹ, Xiaomi và Oppo có cách tiếp cận khác. Công ty của Lei Jun đang số 1 tại Ấn Độ và tích cực mở rộng hệ thống bán hàng ở các nước Đông Nam Á, trong khi Oppo (và cả người anh em Vivo) đang có doanh số tốt trong vài năm qua tại nhiều thị trường thông qua mô hình bán lẻ truyền thống. 

Khi "thời đại Trung Quốc giá rẻ" kết thúc và thị trường 1,5 tỷ dân chuyển dịch từ những người chuyên đi gia công sang những người chuyên tiêu thụ xa hoa, cũng là lúc các thương hiệu smartphone của nước này vươn mình ra khỏi đại lục. 

Chờ đợi bất ngờ từ Google và Nokia

Sau khi mua lại những gì tinh túy nhất của HTC, Google đã sẵn sàng tạo ra chiếc Pixel tiếp theo, hứa hẹn khắc phục được điểm yếu về phần cứng, vốn đang bị người dùng chê "xấu xí" hay "rẻ tiền". 

Công bằng mà nói, hai thế hệ Google Pixel đầu tiên đã rất đáng khen khi có camera xuất sắc, tích hợp A.I để tự động điều tiết ánh sáng, cải thiện chất lượng ảnh và xóa phông mà không cần đến camera  kép. Tuy nhiên, lớp vỏ kém hấp dẫn và nhiều lỗi vặt liên quan đến màn hình khiến chúng chưa thực sự là "iPhone killer".

Phiên bản kế nhiệm của Pixel 3 XL sẽ là chiếc smartphone rất đáng để chờ đợi. Ảnh: PC World.

Về phần Nokia, năm 2017 hãng đã phủ kín các phân khúc bằng loạt smartphone Android. Xét về doanh số, smartphone Nokia bán chạy hơn Pixel, HTC, Sony và OnePlus. Đây là một sự khởi đầu không tệ cho một thương hiệu hồi sinh từ đống tro tàn.

Trong năm 2018, HMD Global có thể tung ra chiếc Nokia 9 với camera kép dùng ống kính Zeiss, chip Snapdragon 845 và nhiều công nghệ mới. Đồng thời bổ sung thêm phiên bản kế nhiệm của Nokia 2,3,5,6 và 8. Nokia 1 siêu rẻ cũng có thể được ra mắt để nhắm đến nhóm người dùng mới tiếp cận smartphone.

Dù vẫn tham dự MWC 2018, nhưng Sony và LG có thể không mang đến nhiều bất ngờ. Với lợi thế của một nhà sản xuất cảm biến camera, hãng công nghệ Nhật Bản sẽ lại khoe cụm máy ảnh siêu việt mới trên một chiếc Xperia cao cấp trong một hình dáng cũ. Trong khi đó, LG có thể mang đến hậu duệ của V30, G6 hoặc ngưng ra smartphone. 

Theo Zing