Chiều 10/9, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã tổ chức buổi lễ ra viện cho 2 bệnh nhân ghép thận từ người cho chết não lần đầu tiên thực hiện tại đây.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết ngày 24/8, đơn vị thực hiện lấy và ghép tạng từ người cho chết não là anh N.Đ.T. (32 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội). Hai bệnh nhân được ghép thận tại đây đã bình phục, chức năng thận hoạt động tốt, đảm bảo sức khỏe, sự sống không còn phụ thuộc vào chiếc máy lọc thận.
Ngoài thận ghép cho 2 người ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tim của anh T. được ghép cho nam bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM; gan ghép cho một trường hợp nặng ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và 2 giác mạc ghép tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Sau hơn 2 tuần, 6 người nhận tạng đều bình phục, chỉ số sau ghép tốt. Cuộc sống của họ đã hồi sinh thêm lần nữa.
Theo bác sĩ Long, quá trình lấy và ghép tạng có sự tham gia của hàng trăm y bác sĩ của các bệnh viện. Họ không quen biết nhau nhưng chung một công việc làm cầu nối “trao đi sự sống”.
Thời điểm khiến vị giám đốc này xúc động nhất là gần 21h ngày 24/8, trong cơn mưa tầm tã ở Hà Nội, tại hành lang nhà A (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) có hàng trăm người bao gồm cán bộ y tế, người bệnh, người nhà đang điều trị nội trú và thân nhân người chết não đứng thành 2 hàng, cúi đầu tri ân, tạm biệt 1 trái tim để ê-kíp vận chuyển vào phía Nam ghép cho người bệnh khác. Tất cả đều không cầm được nước mắt.
Trước đó, đêm 22/8, anh N.Đ.T. bị tai nạn giao thông được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng chết não. Điều dưỡng Đinh Thị Thu Nga, Phòng Công tác xã hội, thành viên tổ tư vấn vận động hiến tạng của bệnh viện là người đầu tiên tiếp cận với người thân của anh T.
Chị Nga nhớ lại 7h sáng 23/8, chị nhận được thông tin có bệnh nhân tiên lượng chết não. Nữ điều dưỡng này đã xem qua bệnh án, nắm được thông tin cơ bản và gặp gỡ chị H. (30 tuổi) là vợ của nam bệnh nhân.
Khi tiếp xúc, chị Nga chỉ trò chuyện hỏi han hoàn cảnh, con cái của gia đình nhỏ. Cuộc trò chuyện của 2 người phụ nữ diễn ra rất lâu. Khi có sự đồng cảm, điều dưỡng Nga mới chia sẻ giá trị nhân văn của nghĩa cử hiến tạng cứu người.
Ban đầu, người vợ trẻ chưa đồng ý, xin phép bàn bạc với gia đình. Đầu giờ chiều, chị chia sẻ với điều dưỡng Nga về quyết định hiến tặng toàn bộ tạng của chồng để mang lại sự sống cho nhiều người khác. “Cô ấy nói, em muốn các con em tự hào về cha mình”, điều dưỡng Nga nhớ lại.
Trước đây, vợ chồng chị H. không biết đến hiến tạng là gì. Họ còn trẻ, khỏe mạnh chỉ tập trung đi làm nuôi con. Khi đề cập tới vấn đề này, người vợ đứng trước nỗi đau mất chồng vẫn nén đau thương đưa ra quyết định nhân văn.
Hơn 1 năm tham gia tổ công tác vận động hiến tạng từ người bệnh chết não, điều dưỡng Nga cho biết đây là trường hợp thứ 19. "Những lần trước, gia đình bệnh nhân đã đồng ý nhưng sau lại thay đổi. Với trường hợp của anh T., người vợ quyết định khá nhanh. Ca mổ lấy tạng diễn ra lâu hơn dự kiến của gia đình. Khoảng 19h30, báo chí đồng loạt đưa tin về ca hiến tạng đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp của chàng trai trẻ. Điều đó khiến người thân của anh T. rất xúc động”, điều dưỡng Nga chia sẻ.