Trứng là thực phẩm khá phổ biến. Ăn trứng bao nhiêu là đủ nhiều người chưa biết. Thậm chí, bác sĩ Nam đã từng gặp nhiều người ăn 15 quả trứng/ngày vẫn khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng Hoa Kỳ cho hay, nên ăn chỉ 1-2 quả trứng mỗi ngày (nhất là lòng trắng trứng) để có một cơ thể khoẻ mạnh.

8 tác dụng của trứng

Thứ nhất, cung cấp năng lượng cho cơ thể: Trứng chứa protein kết hợp chất béo và vitamin B12 giúp trứng có khả năng cung cấp năng lượng trong vài giờ sau khi ăn.

Thứ hai, tăng cường miễn dịch: Trứng chứa hàm lượng nhất định các vitamin A,D,E có khả năng tạo miễn dịch chống bệnh tật. Bên cạnh đó, trứng cũng có Selen, kết hợp với vitamin E có vai trò chống oxy hóa, giúp tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa hình thành các tế bào ung thư.

Ăn trứng tốt cho tim mạch và trí não.

Thứ ba, tốt cho trí não: Một số chất dinh dưỡng trong trứng giúp trí não của chúng ta hoạt động tốt nhất. Choline là chất rất quan trọng tạo nên cấu trúc, chức năng của não. Mỗi quả trứng chứa 100-500mg axit béo omega-3, tùy thuộc loại trứng, chất giúp tăng cường chức năng của não. Một quả trứng có thể cung cấp gần 50% nhu cầu vitamin B12 của cơ thể mỗi ngày. Nếu thiếu vitamin B12, chúng ta có thể bị suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, hưng cảm, thậm chí rối loạn tâm thần.

Thứ tư, tốt cho tim mạch: Trứng chứa HDL-Cholesterol, một Cholesterol tốt, có chức năng dọn dẹp, thu hồi các tế bào mỡ thừa, các Cholesterol xấu để đưa về gan thải độc, phòng mạch máu bị tắc nghẽn bởi các cholesterol xấu, dẫn tới các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, tắc mạch, đột quỵ, thậm chí tử vong.

Thứ năm, đẹp da và tóc: Trứng cung cấp protein, Biotin giúp thúc đẩy sự phát triển của tóc giúp tóc mọc dài, óng ả. Ngoài ra, trứng có các chất chống oxy hoá như vitamin E, hạn chế tạo ra các tế bào tự do gây hại cho tế bào, giúp các tế bào bao gồm tế bào da chậm lão hoá, giúp trẻ lâu hơn, da đẹp hơn.

Thứ sáu, giảm cân: Trong lòng trắng trứng, có chỉ chứa 17 calo; 0,1g chất béo. Lòng đỏ chứa 55 calo,4,5g chất béo. Trứng có chứa chất béo no, bão hòa khiến ta dễ có cảm giác no lâu, nhất là ăn vào bữa sáng, từ đó khiến lượng calo ta ăn thêm vào vào cũng giảm đi.

Thứ bảy, trứng tốt cho mắt: Bởi vì trong trứng có chứa vitamin A có lợi cho thị lực, nhanh lành vết thương và thậm chí giảm nguy cơ hình thành khối u.

Thứ tám, bổ sung canxi và vitamin D: Trứng giúp duy trì xương chắc, khỏe, giảm nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý theo mùa.

Lưu ý khi ăn trứng

Ăn trứng nhiều hơn bình thường sẽ khiến lượng cholesterol xấu có trong trứng tăng lên, đặc biệt là lòng đỏ trứng vịt có thể chứa đến 1,5g cholesterol dễ gây xơ vữa thành mạch, tăng huyết áp, tắc mạch vành, đột quỵ.

Đối với, những người bị sốt (nhất là trẻ em), ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên, không tán phát ra ngoài được, giống như “lửa đổ thêm dầu”, bệnh sốt càng thêm trầm trọng.

Việc chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol khiến trứng cũng được khuyên cần hạn chế với người bị tiểu đường type 2, gan nhiễm mỡ do có thể tăng tích luỹ các chất này trong gan.

Người có tiền sử bệnh sỏi mật, tiêu chảy lưu ý ăn nhiều trứng, hàm lượng đạm cao, sẽ kích thích đường ruột, túi mật co bóp, trong khi hệ thống ruột, túi mật của người bệnh vốn đã yếu sẵn, gây nên tình trạng đau tức bụng, nôn mửa, tiêu chảy nặng thêm.

Tốt nhất chúng ta không nên ăn quá 2 lòng đỏ trứng trong một ngày, 3 lòng đỏ trong 1 tuần. Nên chọn trứng gà vì chứa ít cholesterol hơn, hạn chế lòng đỏ, tăng lòng trắng. Khi ăn trứng hạn chế uống trà vì protein của trứng kết hợp với axit tannic của trà sẽ gây khó tiêu, không ăn trứng cùng đậu nành làm giảm hấp thu các chất. 

Thói quen ăn trứng lòng đào, trứng sống có thể gây ngộ độc, nôn ói do vỏ trứng chứa các lỗ nhỏ li ti, nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Bạn cũng không nên luộc trứng quá kỹ hoặc ăn trứng luộc để qua đêm.

Bác sĩ Hà Hải Nam, Giảng viên Bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội