Tham dự chương trình có đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông; cùng các thành viên Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Đây là một hoạt động nằm trong “Chuỗi sự kiện Chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2023”. Tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thông tin cho lực lượng ứng cứu của tỉnh, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn trong việc tiếp cận kiến thức cho cán bộ chuyên trách an toàn thông tin của các sở, ban, ngành tỉnh.
Chuyển đổi từ diễn tập trên các hệ thống giả lập, mang tính hình thức sang diễn tập thực chiến gắn hoạt động diễn tập vào hệ thống thông tin thật đang hoạt động, vận hành.
Nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng và tham gia ứng cứu sự cố; tham gia các đợt diễn tập phòng thủ, tấn công, xử lý và khắc phục sự cố liên quan đến các hệ thống công nghệ thông tin.
Chương trình bao gồm hai phần chính: đào tạo và diễn tập. Buổi diễn tập thực chiến gồm 01 đội phòng thủ và 27 đội tấn công với gần 70 đại biểu là thành viên Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin tỉnh, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Qua 03 ngày thực chiến, các đội tham gia (phòng thủ và tấn công) đã tiến hành nhiều đợt rà quét và phòng thủ sự cố an toàn thông tin.
Trên cơ sở đó, ban tổ chức xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực của các đơn vị dựa trên số lượng và mức độ nghiêm trọng của lỗ hổng, điểm yếu phát hiện được; độ phức tạp của kỹ thuật/công cụ tấn công; những khuyến nghị khắc phục.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, hoạt động diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng được Sở Thông tin và Truyền thông An Giang tổ chức định kỳ hàng năm, đây là hoạt động với mục đích giúp phát triển năng lực, kinh nghiệm điều phối, ứng cứu sự cố của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, cũng như các cán bộ quản trị, vận hành hệ thống thông tin tại các đơn vị từ đó góp phần nâng cao chỉ số đảm bảo an toàn thông tin của tỉnh.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ quan, đơn vị nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, chủ động xây dựng lực lượng tại chỗ đáp ứng mô hình đảm bảo an toàn thông tin chuyên nghiệp 4 lớp gồm: lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia.
Với thông điệp “Đảm bảo an toàn thông tin là để tạo lập niềm tin, là điểm tựa cần được củng cố vững chắc trong việc đẩy mạnh và phát triển chuyển đổi số’’, các cơ quan đơn vị cần thực hiện kiểm tra, rà soát, xây dựng hồ sơ đánh giá về an toàn thông tin theo cấp độ theo yêu cầu Nghị định 85/2016/NĐ-CP trước khi đưa một hệ thống vào sử dụng trong thực tế. Thường xuyên tìm hiểu các giải pháp công nghệ, trang bị cho đội ngũ cán bộ quản trị viên trang thiết bị, kiến thức chuyên sâu về an toàn thông tin mạng.