Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đang là nhiệm vụ trọng yếu cần được kiểm tra, rà soát, đánh giá thường xuyên để có giải pháp kịp thời đối phó, ngăn chặn các nguy cơ rủi ro tin tặc tấn công.

Cùng với đó là nâng cao kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước để tăng cường năng lực ứng phó, phát hiện sớm các nguy cơ nhằm bảo vệ thông tin của cơ quan, đơn vị mình.

Hằng năm, tỉnh đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm cập nhật, nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức để làm chủ các giải pháp công nghệ, chủ động ngăn chặn, xử lý không để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin.

z4298463037078 71cbc2ec4200f6c6c4595eadce456667.jpg
Theo Trung tâm Giám sát an toàn thông tin Bình Phước, tính đến tháng 12/2023, đơn vị đã giám sát, bảo vệ 2.346 máy; phát hiện và xử lý 59.810 mối nguy hại; 18.134 mối nguy hại cao, 14.075 mối nguy hại nghiêm trọng.

Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các mối nguy cơ, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi khiến công tác bảo đảm an toàn thông tin ngày càng trở nên cấp thiết.

Trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước đã phối hợp Công ty cổ phần An toàn thông tin CyRadar tổ chức diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin, ứng cứu sự cố cho cán bộ chuyên trách CNTT, thành viên Đội ứng cứu sự cố của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tham dự diễn tập thực chiến có ông Nguyễn Hữu Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin); Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, việc tổ chức diễn tập thực chiến an toàn thông tin, ứng cứu sự cố nhằm nâng cao năng lực bảo vệ an toàn thông tin, sẵn sàng ngăn chặn, xử lý và ứng cứu sự cố tấn công trên không gian mạng cho cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết.

Buổi diễn tập thực chiến có sự tham gia của hơn 40 cán bộ chuyên trách CNTT, thành viên Đội ứng cứu sự cố của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, được chia thành các đội: Tấn công; giám sát; rà soát phân tích, ứng cứu sự cố để phối hợp giải quyết một tình huống tấn công mạng cụ thể.

“An toàn thông tin giống cái phanh của một chiếc xe, nó không chỉ giúp chiếc xe thắng lại mà còn giúp chúng ta cảm thấy an tâm để đi nhanh hơn. Bình Phước đã triển khai rất sớm các chương trình đảm bảo an toàn như hệ thống SOC, các trung tâm điều hành đô thị thông minh, nâng cao nhận thức cho các cơ quan và người dân về chuyển đổi số... Đây là điều kiện cần để chuyển đổi số tại tỉnh đi nhanh hơn”, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng, Cục An toàn - Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Võ Thu và nhóm PV, BTV