Giá như cái sự sốt sắng ấy ông dành cho việc “cải tạo, sữa chữa”, xây dựng nền nếp làm việc của cơ quan theo tinh thần hành động, kiến tạo, minh bạch với phương châm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chẳng biết tự bao giờ ở xứ mình mặc nhiên chuyện mỗi lần cơ quan có sếp mới là y như rằng, rất nhanh chóng, trụ sở cơ quan thay áo mới; trang thiết bị phòng khách, phòng làm việc, xe cộ đều phải mua sắm mới.

Giả như trụ sở đã xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng nên phải thay mới thì đã đành. Đằng này, có khi trụ sở vừa được người tiền nhiệm tân trang trước khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng sếp mới lên vẫn cứ thay đổi, chí ít thì cũng vôi ve cho màu sắc công sở “hợp với bổn mạng phong thủy” (!?).

Mỗi lần thay áo cho trụ sở cơ quan như thế, ngân sách nhà nước lại phải chi hàng chục hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng. Một sự lãng phí với con số đáng kinh ngạc nếu như tổng hợp được số liệu của tất cả các cơ quan, ban ngành, địa phương trong cả nước. Trước hiện tượng này, dư luận chỉ biết gọi một cách nôm na là “vẽ”.

Chẳng hạn như chuyện nóng hổi mới đây khiến dư luận râm ran. Khi vừa nhậm chức chưa đầy 20 ngày, tân Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có công văn đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kinh phí lên tới 10 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa trụ sở, với lý do có nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo an toàn và thuận tiện đi lại nên phải khẩn cấp sửa chữa.

Điều đáng nói là, hồi tháng 6/2017, người tiền nhiệm Sở này cũng đã từng đề xuất sửa chữa trụ sở với kinh phí 5 tỷ đồng nhưng không được cấp trên chấp nhận cũng vì không có kinh phí. Trước tình hình ngân sách eo hẹp, ngày 14/8/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ra thông báo “trước mắt trong thời gian tới, chưa xem xét việc đầu tư mới và nâng cấp trụ sở các cơ quan đơn vị cấp sở, huyện”.

Công văn còn nóng hôi hổi chẳng nhẽ vị tân giám đốc và bộ máy tham mưu lại không hay biết?

Còn báo chí ngay lập tức về Thanh Hóa để “mục sở thị” tòa trụ sở. Xem ra, tòa công sở cũng như các phòng làm việc vẫn còn mới, trần nhà không bị hư hỏng, nhà vệ sinh sạch sẽ,… Chỉ có một vài điểm hư hỏng nhỏ như nền gạch có chỗ bị bung vỡ nhưng không đáng kể, một số chỗ bị bong sơn nhẹ, một vài miếng thạch cao bong tróc nhẹ,… Hư hỏng “nặng” nhất chỉ là 2 thang máy, hiện không sử dụng được. Một số chuyên gia xây dựng đánh giá, tòa nhà còn khá đẹp đẽ. 

{keywords}
Bên trong trụ sở Sở xin 10 tỷ để sửa sang. Ảnh: Lê Dương

Mức độ “hư hỏng, xuống cấp” như thế, thuộc hạng mục sửa chữa nhỏ, không thể nâng cấp lên cải tạo, sửa chữa toàn bộ tòa nhà với kinh phí lên đến 10 tỉ đồng. Vậy thì vì lẽ gì mà vị tân giám đốc lại sốt sắng chuyện cải tạo trụ sở như thế?

Lãng phí không chỉ ở chuyện “thay áo trụ sở”

Báo chí và dư luận đã nhiều lần tốn công sức, giấy bút bàn luận về việc các địa phương, cơ quan “đua” xây trụ sở hoành tráng.

Với đề xuất của GĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa, dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu cấp sở có cần đến một tòa nhà 6 tầng?

Trụ sở to, dĩ nhiên tốn kém chi phí không chỉ khi xây mới mà cả sữa chữa sau này. Đấy là chưa tính đến hiệu quả sử dụng.

Tôi đã mục sở thị có trường đại học, cao đẳng, mấy năm nay tuyển sinh èo uột. Các ngành liên quan đến hoạt động thí nghiệm, thực hành như Sinh, Hóa, Lý ngưng đào tạo, thế mà nghịch lí thay, trường vẫn được cấp chủ quản đầu tư xây nhà thí nghiệm hàng mấy tỉ đồng. Chưa kể hai ba dãy kí túc xá 4,5 tầng để trống mấy năm nay vì lượng sinh viên không đủ để đáp ứng.

Còn đây là chuyện báo chí đã từng phản ánh. Liên đoàn Lao động huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) nhân sự chỉ có 3 người (1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch và 1 nhân viên) nhưng lại được đầu tư xây dựng trụ sở hoành tráng với số phòng nhiều gấp 3 số cán bộ nhân viên của cơ quan.

Không dừng lại ở Thới Lai, Liên đoàn Lao động các quận, huyện khác của Cần Thơ cũng sẽ được xây trụ sở tương tự trong khi bộ máy làm việc chỉ có vài ba người.

Ở Đà Nẵng, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố có trụ sở 3 tầng, rộng hơn 1.000 m2, vỏn vẹn 11 người làm việc, trong đó chỉ 4 người làm việc thường xuyên. Ngoài ra, Hội này còn có một trụ sở khác rộng gần 900 m2. 

{keywords}
Trụ sở hàng chục tỷ 8 năm bỏ hoang. Ảnh: Báo Văn hóa

Nhưng cái sự lãng phí của các công sở nói trên còn phải “chào thua” các trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Các trụ sở này được Nhà nước đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỉ đồng nhưng bỏ hoang suốt 8 năm qua, trở thành nơi trâu bò vào trú mưa, tránh nắng.

Còn bao nhiêu nữa những trụ sở, chợ, trường… mà quy mô xây dựng không phù hợp hoặc xây xong bỏ hoang, gây thất thoát lãng phí hàng tỷ tiền ngân sách như những trường hợp nói trên?

Ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?

Mục 1,2 Điều 7, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức: Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chịu trách nhiệm cá nhân về việc tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức mình.

Quyết định số: 217/qđ-ttg về việc ban hành chương trình tổng thể của chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 cũng nêu rõ: “…phải xác định THTK, CLP là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương”; “gắn với trách nhiệm của người đứng đầu”.

Chế tài pháp lý đã rất rõ ràng, nghiêm ngặt. Vậy mà chuyện lãng phí, thất thoát trong việc xây mới, cải tạo trụ sở công vẫn diễn ra. Để quy “trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức” trong việc này, quả thật khó lắm thay! Và sợi dây kinh nghiệm sẽ rút mãi không hết, còn ngân sách nhà nước lại mỗi ngày thêm “ngắn” đi.

Trở lại câu chuyện của vị tân GĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa. Giá như cái sự sốt sắng ấy ông dành cho việc “cải tạo, sữa chữa”, xây dựng nền nếp làm việc của cơ quan theo tinh thần hành động, kiến tạo, minh bạch với phương châm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì không những dư luận đồng tình, ủng hộ mà gương lãnh đạo của ông cũng sẽ sáng theo để các vị đồng liêu cùng học tập.

Người ta bảo, ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Tiếc thay, ông GĐ đã tự đánh mất rồi!

Nguyễn Duy Xuân

Làm gì với ‘đất vàng’ trụ sở bộ ngành sau di dời?

Làm gì với ‘đất vàng’ trụ sở bộ ngành sau di dời?

Bộ Tài chính sẽ là đầu mối thay mặt Chính phủ nắm giữ rồi tiến hành đấu giá công khai một số trụ sở có giá trị đất cao.

Trụ sở nghìn tỷ Đà Nẵng: Nhiều câu hỏi quanh chủ trương 'sốc'

Trụ sở nghìn tỷ Đà Nẵng: Nhiều câu hỏi quanh chủ trương 'sốc'

Việc quy trách nhiệm cụ thể cho công tác chỉ đạo và triển khai việc xây dựng tòa nhà này cũng là vấn đề phải được làm rõ để rút kinh nghiệm chung.

‘Mắt chữ O miệng chữ A’ vì những dự án trăm, nghìn tỷ

‘Mắt chữ O miệng chữ A’ vì những dự án trăm, nghìn tỷ

Cơ quan chức năng có thể vào cuộc điều tra những con đường chưa khánh thành đã hỏng, nhưng với dự án giáo dục, đã ai bị xử lí bởi một cuốn sách bị lỗi, một dự án thất bại?

Nhận trợ cấp vẫn ‘hoành tráng’ ngàn tỷ xây quảng trường – tượng đài

Nhận trợ cấp vẫn ‘hoành tráng’ ngàn tỷ xây quảng trường – tượng đài

“Chiếc bánh ngân sách quốc gia” sẽ có cơ hội to hơn và to nhanh hơn... nếu có chính sách chăm lo thật sự tới những “xưởng bánh” và người làm ra chiếc bánh.