Diễn ra trong bối cảnh thế giới vừa trải qua những “cơn địa chấn” lớn dự báo gây tác động không nhỏ đến thương mại toàn cầu – người dân Anh bỏ phiếu cho Brexit và người Mỹ bỏ phiếu cho Donald Trump, cộng với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định từ bỏ nỗ lực kêu gọi phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Diễn đàn Cấp cao APEC ở Peru gánh vác nhiều trọng trách đối với khu vực đóng góp gần 60% GDP toàn cầu và chiếm gần 50% giao thương trên thế giới.

Gạt Mỹ ra ngoài lề?

Trong hai ngày Hội nghị Cấp cao (19-20/11) tới, các lãnh đạo APEC sẽ xem xét một thỏa thuận thương mại tự do bao gồm Trung Quốc và Nga, nhưng sẽ không có Mỹ. Tổng thống nước chủ nhà Peru, cũng là một cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Pedro Pablo Kuczynski đã nêu ý tưởng trên sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định từ bỏ các nỗ lực pháp điển hóa Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.

Hội nghị Cấp cao APEC tại Lima lần này cũng sẽ là cơ hội đầu tiên để các lãnh đạo thế giới xem xét tác động của chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump đối với quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu – vốn là nhiệm vụ cốt lõi của APEC kể từ khi diễn đàn này hình thành năm 1989. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua, ông Trump cho rằng TPP sẽ “cướp đoạn của nước Mỹ” và cảnh báo sẽ thương lượng lại hoặc vứt bỏ thỏa thuận này.

Tham dự hội nghị tại Peru lần này, ông Obama sẽ nói với các lãnh đạo APEC rằng Mỹ sẽ giữ vững cam kết với châu Á và thừa nhận các lợi ích của thương mại tự do. Nhưng, việc nước Mỹ sẽ không thể thông qua thỏa thuận TPP – văn bản vừa được ký kết hồi tháng 2 vừa qua sau một thập kỷ thương lượng vất vả– chắc chắn sẽ đẩy nước Mỹ ra ngoài lề các thỏa thuận thương mại trong tương lai.

{keywords}
Hội nghị APEC 2015 kêu gọi hợp tác toàn cầu chống khủng bố. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo cho biết Australia và các thành viên khác của TPP vẫn cho rằng đây là một “thỏa thuận tốt”, nhưng sẽ không có ý định phê chuẩn văn bản này theo đúng nội dung của nó hiện nay nếu không có sự tham gia của Mỹ. Theo ông, hoàn toàn có thể bàn đến một thỏa thuận thương mại giữa 11 nước còn lại trong TPP, nhưng khi đó “luật chơi phải thay đổi”.

Australia cũng đang tính đến nhiều lựa chọn thương mại khác, trong đó có thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hội tụ 10 quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia, nhưng không có Mỹ. Ông Ciobo thừa nhận: “Không thể bỏ hết trứng vào một giỏ”.

Cùng chung quan điểm này, Tổng thống Peru cho rằng TPP có thể được thay thế bởi một thỏa thuận tương tự, nhưng không có Mỹ. Theo ông, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn cần một thỏa thuận thương mại tự do, lần này sẽ bao gồm Trung Quốc và Nga. Ông nói: “Cần bắt đầu một cuộc thương lượng mới”.

Chủ tịch Hội đồng cố vấn doanh nghiệp (ABAC) Juan Francisco Raffo, tại cuộc họp ngày 15/11 trong khuôn khổ các hội nghị APEC, cũng tái khẳng định kiên trì với tự do hóa thương mại. Ông cho biết dù APEC rất lo ngại về các chính sách của ông Trump nhưng tái khẳng định sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy tự do hóa thương mại và các thỏa thuận tự do thương mại (FTA). Ông nhấn mạnh: “Nếu ai không thích ý tưởng này, họ sẽ bị loại. Nếu Mỹ cự tuyệt TPP hay bất cứ thỏa thuận thương mại nào khác, chúng ta chỉ còn cách hướng tới những người ở lại”.

Nhiều nước đã dự báo rằng nếu TPP thất bại, nhiều thỏa thuận tự do thương mại khác sẽ “lấp chỗ trống”. Trung Quốc, nước từng bị gạt ra ngoài lề thỏa thuận TPP, tất nhiên sẽ tận dụng cơ hội này để bố cục lại bức tranh thương mại châu Á bằng việc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại của riêng mình. Để tăng cường sự ảnh hưởng trong khu vực, Bắc Kinh muốn đẩy nhanh dự án Khu vực Tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), hội tụ toàn bộ 21 thành viên APEC. Bên cạnh đó, Trung Quốc đặc biệt “kết” dự án RCEP, vốn không có sự hiện diện của ông lớn Mỹ.

Số phận bấp bênh của tự do thương mại

Chuyên gia về tự do thương mai của Đại học Harvard, ông Robert Lawrence nhận định sau chiến thắng của ông Trump, tương lai của tự do thương mại đang “gặp nguy hiểm” vì vai trò của Mỹ là rất lớn. Theo chuyên gia này, thế giới không chỉ có nguy cơ mất đi vai trò lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) trong quá trình hội nhập kinh tế, mà còn có thể chứng kiến Mỹ trở thành người gây phiền toái cho thương mại toàn cầu.

Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa đến mức hàng hóa “được sản xuất ở mọi nơi”, việc nền kinh tế lớn nhất thế giới chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn kìm hãm mạnh giao thương và đầu tư. Ông Lawrence cảnh báo: “Chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Mỹ D.Trump có nguy cơ đánh dấu một sự ngắt quãng lớn nếu ông áp dụng chương trình và tuyên bố trong khi tranh cử”.

{keywords}

Một loạt cú “sốc” đã, đang và sẽ diễn ra đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh một loạt cú “sốc” đã, đang và sẽ diễn ra đối với nền kinh tế toàn cầu, Diễn đàn APEC cần đóng một vai trò trung tâm và điều phối trong khu vực này như một liên minh kinh tế có uy tín và ảnh hưởng nhất tại châu Á – Thái Bình Dương, nhằm xây dựng một cộng đồng khu vực thịnh vượng và năng động.

Năm 1989, APEC đã được thành lập như một diễn đàn nhằm tạo điều kiện thảo luận về tăng trưởng kinh tế, tự do hóa thương mại và các cơ hội đầu tư. Ngày nay, 21 thành viên APEC đóng góp 58% GDP toàn cầu, 49% giao thương toàn cầu, chiếm gần 40% dân số thế giới, và đặc biệt là hội tụ 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những người chỉ trích nói rằng APEC chỉ tạo ra những tuyên bố mơ hồ hơn là các cam kết nghiêm túc.

Tuy nhiên, hiện có hơn 140 thỏa thuận FTA giữa các thành viên APEC do APEC khởi sự, các hàng rào thương mại đã giảm từ 17% xuống còn 5%. Dù còn một số thiếu sót, APEC vẫn là một khuôn khổ quan trọng để các thành viên trao đổi ý tưởng và thảo luận biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay.

Đức Đan