Theo Anadolu Agency, trong ngày 1/2, Armenia đã là thành viên chính thức của ICC, qua đó trở thành quốc gia thứ 124 trên thế giới gia nhập Quy chế của cơ quan này.

"Từ ngày 1/2, Quy chế Rome của ICC chính thức có hiệu lực đối với Armenia", ông Yeghishe Kirakosyan, đại diện chính thức của Armenia về các vấn đề pháp lý quốc tế cho biết.

Vào tháng 3/2023, ICC đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì những cáo buộc liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt. Với việc gia nhập Quy chế Rome, Armenia hiện có nghĩa vụ bắt giữ chủ nhân Điện Kremlin nếu ông đặt chân tới lãnh thổ nước này.

d14e7cdcead36385d.jpg
Trụ sở ICC tại Hà Lan. Ảnh: AA

Hồi tháng 10/2023, Moscow đã từng đưa ra những cảnh báo về việc Yerevan phê chuẩn Quy chế Rome. "Đây là một quyết định sai lầm", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga mô tả đây là "một hành động không thân thiện".

Để xoa dịu những quan ngại của Moscow, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói rằng quyết định gia nhập ICC không nhắm vào Nga. Ông Pashinyan nhấn mạnh, việc gia nhập Quy chế Rome là để giải quyết những vấn đề liên quan tới Azerbaijan.

Trong khi đó, các nước phương Tây đã thể hiện sự hoan nghênh với động thái của Armenia - quốc gia từ lâu vẫn được coi là đồng minh của Nga. Armenia là nơi đặt căn cứ quân sự thường trực của Nga, và là thành viên của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Moscow đứng đầu.