Hãng RT, Reuters và tờ The Guardian đưa tin, Azerbaijan tuyên bố, chiến dịch chống khủng bố của nước này tại Nargorno - Karabakh (người Armenia gọi là Artsakh) là hạn chế và cần thiết để tái thiết lập trật tự, cũng như dẹp đội quân của Armenia. 

Trong khi đó, Armenia cáo buộc nước láng giềng Azerbaijan khởi động "một cuộc xâm lấn quy mô lớn khác chống lại người dân ở Nargorno - Karabakh", và buộc khu vực này phải thanh lọc sắc tộc. 

Nargorno - Karabakh, khu vực miền núi ở vùng Nam Caucasus nhiều biến động, tuyên bố độc lập với Azerbaijan vào năm 1988 và kể từ đó được Armenia hậu thuẫn.

Azerbaijan mất kiểm soát Nargorno - Karabakh và những khu vực xung quanh vào đầu những năm 1990, song đã giành lại được những khu vực bị mất sau cuộc chiến kéo dài 44 ngày vào năm 2020. 

Hiện Nargorno - Karabakh được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan. Tuy nhiên, một phần của khu vực này chịu sự điều hành của chính quyền ly khai Armenia, những người nói rằng đây là quê hương của tổ tiên họ. 

Armenia đã kêu gọi Mỹ can thiệp vào cuộc giao tranh ở Nargorno - Karabakh để bảo vệ dân thường. Đại sứ lưu động của Armenia - ông Edmon Marukyan thúc giục Tổng thống Pháp và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lên án Azerbaijan. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Azerbaijan dừng chiến dịch ngay lập tức và nói rằng việc đó khiến tình hình ở Nargorno - Karabakh càng trở nên nghiêm trọng.

EU, Pháp và Đức cũng lên án hành động quân sự của Azerbaijan, kêu gọi nước này quay lại bàn đàm phán để thảo luận về tương lai của khu vực với người Armenia. 

Moscow kêu gọi các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn năm 2020. Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói: "Cần có những nỗ lực cụ thể dựa trên khuôn khổ pháp lý thực tế và hữu hình, tạo cơ hội để đem tới một giải pháp hòa bình". 

Armenia và Azerbaijan đọ súng dọc biên giớiArmenia và Azerbaijan đổ lỗi cho nhau về các vụ nổ súng dọc biên giới, vài ngày trước cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) tổ chức nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ của hai nước này.