Học trò đỗ đạt, trưởng thành nơi nơi nên thầy đi đâu cũng nghe tiếng nói quen thuộc như khi còn trên bục giảng.

Ban đầu cứ suy từ mình ra, từ nhỏ chí lớn học trường làng, vẫn lên thẳng lớp 8 trường huyện (lớp 10 THPT hiện nay) rồi thi đỗ ngay vào đại học thủ đô, thời sinh viên không phải thi lại môn nào… nên tôi cứ tự tin như đinh đóng cột rằng, con gái, con trai mình sáng dạ thế, tuyệt đối không học thêm, học bớt gì hết! Bố mẹ ngày xưa học mỗi sách giáo khoa, thêm vài cuốn tham khảo mà đâu vẫn vào đó. Không biết thì bố mẹ dạy cho, học thuộc bài ở lớp, về nhà làm hết bài tập là ổn.

Nhưng rồi đến lúc sơ tổng kết hay thi học sinh giỏi trường, lên cấp huyện, cấp tỉnh… mới ngớ ra: con mình trượt vỏ chuối ngay từ vòng gửi xe! Đi họp phụ huynh tổng kết học kỳ, tổng kết năm mới ê mặt, con cái thiên hạ nhất nhì cả, con mình cố lắm cũng chỉ giải khuyến khích. Lần sau, đến phiên họp chắc bố lại bận, lại đi công tác.

Rút kinh nghiệm sâu sắc và trực quan sinh động, đứa sau cứ gọi là tìm hiểu phố trên ngõ dưới thầy cô nào dạy thêm đỉnh nhất là xin cho cu vào học bằng được. Tiếng Việt học thêm, Toán càng phải nhồi kỹ. Bảng điểm cuối năm cu cậu từ lớp 1 trở đi cứ gọi là long lanh. Cuối năm học, bận gì cũng bảo mẹ nó: để bố đi họp.

Cũng từ đó, con chị dứt khoát phải ngày đêm 3 buổi đi học, thằng em tất nhiên cũng học thêm 3 buổi/ ngày đêm. Cho đến khi các cháu thi đỗ hết lên đại học mới thở phào một cái.

Chúng nó đi rồi, tự nhiên lại nhớ cái thuở cả làng đi học, đi thi và những người thầy, những lớp học ấy… 

Trong số rất rất nhiều lớp dạy thêm ở khu phố tôi ở, chắc chắn nhiều người biết và nhớ thầy Hỷ dạy toán nổi tiếng cả huyện, cả tỉnh. Riêng tôi lại càng biết vì thầy  dạy tôi hồi học cấp ba trường huyện. Bấy giờ, thầy mới ra trường, áo sơ-mi trắng, quần xi-mi-li ống đứng, mắt sáng, hoạt bát. Học trò hay kháo nhau là thầy vẫn “ưu ái” hỏi bài đứa nào đi học mà… quần áo đẹp, đầu tóc bóng láng. Cứ gọi là đứa nào đứa nấy toát mồ hôi hột!

{keywords}
Học trò mừng đám cưới con trai thầy Hỷ. Ảnh: Châu Phú

Vì dạy giỏi nên theo quy luật “nước chảy chỗ trũng”, thầy từ trường miền núi xa xôi mà tiến về thành phố, điểm cuối đầy vinh dự là trường chuyên tỉnh cho đến khi về hưu. Ban đầu mở vài ba “cua” dạy thêm theo yêu cầu của hội phụ huynh, đến khi nghỉ hưu, người ta giúp thầy mở hẳn một lớp 30 sau đó 40 rồi 50 học sinh.

Lớp học của thầy có điều đáng lưu ý là học sinh nào trước khi vào học cũng được kiểm tra, sát hạch. Ý thầy là “có khả năng đỗ đại học thì thầy bổ sung thêm vào những chỗ hổng, nâng cao thêm nếu muốn học trường điểm cao”. Còn yếu kém thì không có thầy giỏi nào kham được, về đi học nghề, hay đá bóng giỏi cũng khối tiền đấy…

Nhưng thầy rất “dị ứng” với những cái thùng rỗng kêu to đâu đó, ví như làm đến ông nọ, bà kia mà học hành ngày xưa ú ớ, con cái lại ba lăng nhăng học thì ít chơi phá thì nhiều… là thầy không tha. Thầy nói cái duộc ấy đáng sợ lắm, không nên dây vào mang tiếng mang tăm.

Tôi nghe thế cũng ớn khi dắt cu con đến xin học thêm, biết đâu bị thầy đuổi cổ thì suốt đời thiên hạ bêu riếu. Gặp lại thầy, may mắn là thầy chưa quên đứa học trò cũ lộc ngộc năm nào ở Kẻ Mẻn – Đô Lương. Tôi khéo léo thưa “Từ bố đến con đều may mắn được học thầy ”. Lúc đó, thầy cười nói vồn vã “Anh học được thì chắc con anh cũng rứa. Để tôi theo dõi mấy buổi rồi báo lại, học được thì ta mần tiếp, không thì…”

Quả thực, lớp của thầy Hỷ nức tiếng năm này qua năm khác vì cứ được thầy nhận dạy cho là thi đỗ, không như các lớp mở tràn lan, nóng nực, đánh trống ghi tên, mượn danh thu tiền, đỗ trượt mặc bay… đâu đó.

Học trò đỗ đạt, trưởng thành nơi nơi nên thầy đi đâu cũng nghe tiếng nói quen thuộc như khi còn trên bục giảng “Em chào thầy. Thầy còn nhớ em không ạ?”. Thầy ra Hà Nội mua nhà cho con, không đủ tiền nộp một lần nên cứ dăm bữa nửa tháng lại bọc tiền gói nilon bắt xe đi. Rồi thầy cũng nhận ra sự bất tiện đó nên phải tìm cách xử lý qua ngân hàng. Lo lắng, băn khoăn y như… học trò gặp bài toán khó! Lần này thì chính học trò làm ngân hàng giúp thầy “lời giải ngoài trang sách, trong trang đời” trọn vẹn, đúng và đủ các nghiệm số.

Thầy Hỷ vừa tổ chức cưới vợ cho con trai ở Hà Nội sau khi đã nộp đủ tiền và nhận nhà mới. Đồng nghiệp, học trò, bạn bầu cô dâu, chú rể đến dự đông đủ khiến thầy vui rơm rớm, không nói nên lời. Ba bố con tôi (thêm anh con rể cũng từng là học trò thầy hồi trường chuyên) thật bất ngờ khi lần đầu tiên được thầy khen một câu chưa bao giờ mơ tới “Giới thiệu với mọi người, đây là ba bố con, đều là những học trò giỏi nhất và thành đạt nhất của tôi!”

Tôi mừng trào nước mắt, y như hồi được lên thẳng lớp 8, vào thẳng đại học và được thầy vui lòng nhận thằng cu con học thêm run cầm cập hôm nào…

Châu Phú