Tra cứu thông tin đất đai từ smartphone
Anh Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư đất tại phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cho biết: Trước đây, khi cần tìm hiểu thông tin quy hoạch một mảnh đất nào để đầu tư, anh phải mang hồ sơ lên chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện để tra cứu thông tin. Việc này rất mất thời gian của nhiều người đầu tư đất như anh. Tuy nhiên kể từ đầu năm nay, khi tỉnh BR-VT ra mắt ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch trên smartphone, anh chỉ việc đứng tại lô đất cần kiểm tra, ứng dụng sẽ định vị và cho ra thông tin về quy hoạch lô đất đó (đất ở tại đô thị, đất nông nghiệp, đất quốc phòng...), từ đó anh sẽ có quyết định đầu tư chính xác hơn.
Ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh BR-VT. Ảnh: Phúc Nguyễn |
Ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh BR-VT, cho biết:, Ứng dụng tra cứu quy hoạch sử dụng đất được phát hành dưới dạng web và app (trên hệ điều hành Android và iOS). Ứng dụng giúp người dùng có cái nhìn tổng quan về mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh theo từng khu vực, đặc biệt là tính năng định vị sẽ trả về kết quả quy hoạch sử dụng đất nơi người dùng đang đứng.
"Bên cạnh đó, ứng dụng tra cứu thông tin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ giúp người dân và doanh nghiệp tra nhanh thông tin về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như số hiệu, số seri, ngày ký, người ký, ngày trả, số vào sổ, thửa đất (tờ bản đồ) khi có thông tin số Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, để tránh phát hành quá nhiều ứng dụng, Sở đã tích hợp ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch và ứng dụng tra cứu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại làm một. Thời gian tới sẽ tích hợp thông tin địa chính lên ứng dụng này tạo thành một ứng dụng duy nhất để quản lý toàn bộ dữ liệu về đất đai trên địa bàn tỉnh", ông Hiếu cho biết.
Theo dõi biến động thửa đất tương tự “internet banking”
Sở Tài nguyên Môi trường BR-VT đã có văn bản xin chủ trương của Ủy ban tỉnh để xây dựng hệ thống giám sát quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức với các nội dung như: xây dựng ứng dụng truy vấn cơ sở dữ liệu địa chính trên thiết bị di động để từng cá nhân, tổ chức tra cứu, giám sát biến động thửa đất thuộc quyền sử dụng đất của mình; tự động cảnh báo đối với trường hợp có hoạt động chuyển nhượng, đăng ký, thế chấp trên một thửa đất nhất định đến chủ sở hữu thửa đất; nhắc nhở cá nhân, tổ chức sử dụng đất (chính chủ) thực hiện các nghĩa vụ khi đến thời hạn; xây dựng đơn giá để thu chi phí của cá nhân, tổ chức sử dụng ứng dụng nhằm bù đắp lại chi phí vận hành, duy trì Hệ thống thông tin Tài nguyên và Môi trường, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch tỉnh BR-VT. Ảnh: Phúc Nguyễn |
Cơ chế hoạt động của ứng dụng khi đó tương tự như hệ thống internet banking của ngân hàng. Bất cứ giao dịch nào liên quan đến thửa đất đều được tự động báo về số điện thoại của chủ sở hữu, nhờ vậy có thể tránh được những trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mang đi cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng trái phép mà chủ sở hữu không hề hay biết. Ngoài ra với đất nông nghiệp có thời hạn sử dụng, khi đến hạn, hệ thống cũng sẽ gửi thông báo cho chủ sở hữu đi gia hạn, tránh trường hợp quên dẫn đến bị phạt... Nếu chủ trương này được Uỷ ban tỉnh chấp nhận thì Sở Tài nguyên Môi trường sẽ giao Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường xây dựng ứng dụng, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian 6 tháng triển khai.
Cấp Giấy chứng nhận không biên giới
Khối lượng cơ sở dữ liệu của các ứng dụng quản lý đất đai là khá lớn, thời gian xây dựng kéo dài, các cán bộ phải ra đo đạc đến từng thửa đất, thu thập hồ sơ và về nhập liệu trên hệ thống. Do vậy, để phát huy hiệu quả sử dụng, Sở Tài nguyên Môi trường BR-VT chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu theo đơn vị hành chính cấp xã, tích hợp và đưa vào khai thác, sử dụng ngay khi hoàn thành, không chờ đợi đến khi hoàn thành cơ sở dữ liệu cho toàn tỉnh. Hiện nay Sở đã hoàn thành xây dựng dữ liệu địa chính được khoảng 62% các xã trong tỉnh, cuối năm 2019 dự kiến tăng lên 80%, và hết năm 2020 sẽ hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu này.
Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung tỉnh BR-VT. Ảnh: Phúc Nguyễn |
Mục tiêu của Sở Tài nguyên Môi trường BR-VT là đến quý I năm 2020 sẽ cấp Giấy chứng nhận không biên giới tại một số khu vực đã xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn thiện. Chẳng hạn, một người dân ở Vũng Tàu có thửa đất ở Phú Mỹ thì không nhất thiết phải lên Phú Mỹ để làm thủ tục cấp Giấy mà có thể nộp hồ sơ ở Vũng Tàu và nhận được Giấy chứng nhận tại Vũng Tàu. Việc này sẽ tiện lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Người dân có thể chọn nơi làm hồ sơ tại khu vực nào thuận tiện, nơi nào cảm thấy hài lòng khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận, không nhất thiết phải đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai nơi có thửa đất để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận.
Với vai trò là đơn vị hỗ trợ các thủ tục pháp lý, thẩm định đầu tư cho Sở Tài nguyên Môi trường trong các ứng dụng công nghệ quản lý đất đai, ông Lê Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh BR-VT cho biết: "Sở đánh giá cao các ứng dụng này vì không chỉ giúp ích cho người dân, doanh nghiệp mà còn hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý đất đai có hiệu quả hơn. Mục đích cao nhất của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đất đai là để phát huy hiệu quả của cơ sở dữ liệu đã được xây dựng, minh bạch thông tin theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin, góp phần phòng chống Giấy chứng nhận giả mạo, tăng khả năng tiếp cận thông tin đất đai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các ứng dụng quản lý đất đai thông minh bước đầu nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh với hàng trăm ngàn lượt truy cập web và tải về trên smartphone".
Phúc Nguyễn
Bà Rịa–Vũng Tàu chỉ đích danh 196 khu phân lô, bán nền trái phép
Sở TNMT Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về 196 trường hợp phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn.