“Giữ mạng sống của mọi người làm con tin là đi ngược lại lời thề Hippocrates, vốn nhấn mạnh đến việc hành động vì lợi ích của bệnh nhân”, một người phụ nữ Hàn Quốc bày tỏ.
Oh Myung-jin, 44 tuổi, phải chăm sóc hai người thân trong gia đình bị bệnh nặng. Cô như nổ tung khi nghe tin các giáo sư y khoa đang cân nhắc việc rời bệnh viện, cùng các bác sĩ cấp dưới phản đối Chính phủ Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh viên trường y.
“Nếu các giáo sư cũng bỏ đi, bệnh nhân sẽ không thể điều trị với chất lượng như hiện nay bắt đầu từ tháng này hoặc thậm chí ngay tuần sau. Con gái cùng cha tôi và cả tôi nữa đang sống trong nỗi sợ hãi thường trực”, Oh nói với Korea Herald.
Cô con gái học cấp hai của Oh phải chiến đấu với căn bệnh dị dạng động tĩnh mạch cột sống suốt một năm qua tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNUH). Nếu không điều trị, tình trạng hiếm gặp này có thể làm tổn thương vĩnh viễn tủy sống, dẫn đến yếu chi dưới, gây khó khăn khi đi lại.
Người cha khoảng 70 tuổi của Oh bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4 và cũng điều trị tại SNUH. Cha cô cần tiếp tục xạ trị và hóa trị.
“Bệnh nhân và gia đình họ đều phải hứng chịu cú sốc này. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ mà con gái và cha tôi đã nhận được nhưng các bác sĩ không nên gây áp lực lên chính phủ bằng cách lợi dụng sức khỏe của bệnh nhân để ngăn cản việc mở rộng các trường y”, Oh nói.
Người phụ nữ trên bày tỏ: “Giữ mạng sống của mọi người làm con tin là đi ngược lại lời thề Hippocrates, vốn nhấn mạnh đến việc hành động vì lợi ích của bệnh nhân”.
Oh là một trong những người lo ngại về khả năng xảy ra khoảng trống y tế do cuộc chiến đang diễn ra giữa chính phủ và các bác sĩ đã ảnh hưởng đến hệ thống y tế quốc gia trong gần một tháng.
Đầu tuần này, các giáo sư y khoa, những người đang lấp đầy khoảng trống mà các bác sĩ nội trú, thực tập sinh để lại, cảnh báo rằng họ có thể ngừng tiếp nhận bệnh nhân và không thực hiện các ca phẫu thuật bắt đầu từ tuần tới.
Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng, nhiều bệnh nhân đã kêu gọi các bác sĩ quay lại.
Ngày 13/3, một hiệp hội vận động cho những người mắc bệnh hiểm nghèo bao gồm 7 nhóm bệnh nhân, trong đó có Hội đồng Quyền lợi Bệnh nhân Ung thư Hàn Quốc, đưa ra tuyên bố rằng việc bác sĩ rời bỏ chỗ làm giống như “bản án tử hình dành cho người bệnh”.
Yoon, một bệnh nhân mạn tính hơn 80 tuổi, đang được điều trị tại SNUH, nói rằng ông cảm thấy mình sẽ “chết sớm” khi các bác sĩ nghỉ việc.
“Khi mọi người già đi, đặc biệt với ai ở độ tuổi như tôi, việc đến bệnh viện trở nên thường xuyên hơn. Gần đây, tôi phải nhập viện vì vấn đề về thực quản và cân nặng của tôi giảm 10kg xuống gần 46kg”, ông Yoon nói.
“Tôi gần như không còn sức sống nữa. Nếu không có bác sĩ, đây sẽ là một tình huống rất đáng lo ngại đối với tôi cũng như gia đình. Các bác sĩ phải thực hiện vai trò của mình là ở bên cạnh bệnh nhân, vì vậy hãy làm vậy”, ông Yoon nói thêm.
Một bệnh nhân khoảng 50 tuổi bị suy tim tên Park được điều trị y tế tại Trung tâm Y tế Asan 10 năm. Ông Park đã ví việc các bác sĩ từ chức khiến bệnh nhân như “rơi xuống vực”.
“Tôi nghĩ sự vắng mặt của các bác sĩ cho thấy tầm quan trọng của họ đối với bệnh nhân. Bác sĩ rời đi như đẩy bệnh nhân ra khỏi vách đá và bảo họ hãy tự sống sót mà không đưa ra bất kỳ sự giúp đỡ hay lời khuyên nào. Họ nên biết những lựa chọn của mình có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân đang rất cần sự giúp đỡ”, ông nói.
Lee Jun, một nhân viên công ty 32 tuổi, người chăm một bệnh nhân ung thư, cũng rất tức giận. Anh nói: “Người nhà của tôi đang phải chật vật sắp xếp phẫu thuật ung thư tại bất kỳ bệnh viện lớn nào, việc các giáo sư y khoa cấp cao từ chức khiến tôi rất lo lắng”.
Ban đầu, cuộc phẫu thuật của mẹ anh được ấn định diễn ra trong tháng này tại Trung tâm Y tế Samsung, nhưng đã bị hoãn vô thời hạn.
Lee nói: “Tôi không hiểu các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ cấp cao, có thể biện minh như thế nào cho khi bệnh nhân cần được điều trị cứu sống càng sớm càng tốt. Rõ ràng là các bác sĩ đang đình công để cố gắng đảo ngược một chính sách mà họ cho rằng đe dọa đến lợi ích của họ”.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân ủng hộ quyết định phản đối chính phủ của các bác sĩ. Họ nói rằng đó là lựa chọn của các nhân viên y tế, không đồng nghĩa với sự thiếu quan tâm đến người bệnh.
Một bệnh nhân mắc bệnh cơ tim phì đại ở độ tuổi 20 đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với các bác sĩ trên mạng xã hội sau khi bác sĩ điều trị cho cô tuyên bố ý định từ chức. “Thật đau lòng khi thấy những người chưa từng trải qua những gì bác sĩ đang chịu đựng lại chỉ trích họ. Tôi không hiểu làm thế nào mà một người đã cứu mạng tôi lại bị lên án là kẻ xấu”, người trên chia sẻ.
Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong ngày 15/3 đã đưa ra lời kêu gọi các giáo sư y khoa không từ chức hàng loạt để ủng hộ cuộc đình công kéo dài của các bác sĩ cấp dưới vì điều đó sẽ làm gián đoạn thêm dịch vụ tại các bệnh viện lớn. “Nếu các giáo sư lo lắng cho các bác sĩ và sinh viên cấp dưới, hãy thuyết phục họ quay trở lại nơi đào tạo”, ông Cho nói.
Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ nội trú, thực tập sinh của Hàn Quốc đã nghỉ việc trong gần 4 tuần dưới hình thức từ chức hàng loạt để phản đối quyết định của chính phủ tăng tuyển sinh tại các trường y lên 2.000 người.
Mới đây, các giáo sư của 19 trường y đã thành lập một ủy ban khẩn cấp và lên kế hoạch thảo luận về việc có nên nộp đơn từ chức chung vào ngày 15/3 hay không.
Đại diện Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc khẳng định, đất nước không thiếu bác sĩ, bệnh nhân có thể khám chữa ngay chứ không phải chờ đợi dài ngày như ở châu Âu. Bởi vậy, các trường y không cần tuyển thêm sinh viên.
Bộ Y tế Hàn Quốc đã gửi thông báo đình chỉ giấy phép cho khoảng 5.000 bác sĩ không tuân theo lệnh quay trở lại làm việc để phản đối kế hoạch tăng số sinh viên y.