Bất kỳ người nào đã từng uống cà phê đều có thể tìm thấy ở đâu đó trong bức tranh ấy loại hạt mình đang thưởng thức mỗi ngày.
Họ cũng có thể tìm thấy ở phần đầu của cuốn sách những kiến thức rất cơ bản về cây cà phê, quả cà phê, hạt cà phê và cách thu hoạch, chế biến để có những hạt cà phê Arabica hay Robusta thành phẩm đã được chọn lọc kỹ lưỡng như khi mua về.
Không chỉ dân nghiền cà mới quan tâm đến câu chuyện về rang, xay và pha chế, mà cả những người mới uống hay tập tành tự pha cà phê tại nhà cũng sẽ háo hức giở từng trang trong phần 2 của cuốn sách này để “ô”, “a” vỡ lẽ thì ra “culi” là hạt đó, hoá ra “espresso” là như vậy, còn “pour-over” là kiểu như thế này.
Những bức ảnh mình hoạ sinh động trong cuốn sách giúp độc giả hình dung và phân biệt rõ ràng từng loại hạt, quá trình chế biến, rang xay. Và một số người có thể mang ngay mẻ cà phê mình vừa xay ra để so sánh với hình ảnh xem cỡ xay này là thô, là vừa, hay là mịn và rất mịn. Chúng ta cũng có thể tìm được câu trả lời cho thắc mắc bấy lâu nay tại sao cùng một cỡ máy mà vừa xay loại hạt này thì mịn xong xay sang mẻ hạt khác lại không mịn.
Cứ đọc đi, rồi lần tới ra quán cà phê bạn có thể mạnh dạn gọi “1 cappuccino nóng” hay “1 latte” mà không phải thầm thắc mắc hai món này khác nhau như nào nhỉ?
Với những người có thể “sành” cà hơn một chút thì sẽ thích truy xuất nguồn gốc, và tìm hiểu về hồ sơ hương vị của từng loại hạt để lựa chọn ngày mai nếm thử loại nào: cà phê chồn Indo, Ethiopia, geisha Panama hay Bourbon Việt Nam.
Tất cả đều có trong Bản đồ thế giới cà phê.
Với tôi, người luôn thực hiện chế độ “mỗi ngày 1 cốc cappuccino” thì có thể coi đây là một trong những cuốn sách gối đầu giường.
Phương Thúy