Công việc của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm làm người, làm dân và làm việc. Nhưng có phải mỗi người trong chúng ta cũng làm ‘đúng việc’ hay không và như thế nào được coi là ‘đúng việc’? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời nhưng bạn có thể tìm được công thức đi đến cái đúng phổ quát, được đa số công nhận trong cuốn sách của nhà giáo Giản Tư Trung. 

Đúng việc là một phương pháp luận để mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở tự tìm ra “đích đến” và “con đường” cho sự đổi thay có tính cách mạng của riêng mình. 

Lấy cảm hứng từ một dịp lang thang trên quảng trường Trafalgar ở thủ đô London của nước Anh, tác giả bắt gặp dòng chữ “England expects that every man will do his duty” (tạm dịch: Nước Anh mong muốn mỗi người sẽ làm tròn công việc, bổn phận của mình) được khắc dưới chân bức tượng vị đô đốc Nelson. Thông điệp này ít nhiều gợi lên và gieo vào tác giả những suy tư về mình, về thời cuộc và đặc biệt là những “trận chiến” liên quan đến bản chất và chân giá trị của mọi vấn đề.

Đó không phải là trận chiến hữu hình giữa người với người, giữa gươm với súng như trong quá khứ, mà là trận chiến giữa đúng và sai, giữa khai minh và vô minh, giữa cõi phàm và cõi thiêng, giữa sự cao đẹp và cái thấp hèn của con người. Cuộc chiến này tàn khốc, dai dẳng hơn hết thảy và từ triết học, văn học cho đến dòng sách self help (phát triển bản thân) sau này đều không ngừng khai phá.

Vì thế, câu chuyện khai minh mà Đúng việc đề cập vốn là một chủ đề gai góc, nếu người viết không thực sự am tường, giàu trải nghiệm và có đời sống nội tâm sâu sắc rất khó làm chủ ngòi bút, dễ sa vào đại ngôn, sáo rỗng.

Chính tác giả cũng thừa nhận: “Khó tìm thấy một chân lý hay một định nghĩa tuyệt đối về việc thế nào là đúng - sai, phải - trái, hay - dở, tốt - xấu. Mỗi người sẽ có một lằn ranh, một cách của riêng mình để minh định. Lằn ranh mà tôi chọn cho Đúng việc là dựa vào những giá trị vượt không gian và vượt thời gian”. Bởi thế “mục đích của cuốn sách này là để gợi mở và tranh luận chứ không phải để kết luận và thực hiện, để đặt vấn đề chứ không phải giải quyết vấn đề, để đặt ra các câu hỏi nhằm tìm kiếm câu trả lời chứ không phải là để khẳng định một chân lý (bởi lẽ không ai được phép độc quyền chân lý)”.

Từ thế giới quan và nhân sinh quan, từ tâm thế và ý niệm của một nhà giáo, Giản Tư Trung viết ''Đúng việc'' để nói về “nghề làm người” mà trong đó “làm dân” và “làm việc” là quan trọng bậc nhất. Mở ra một chủ đề mênh mông nhưng tác giả khéo léo sắp đặt bố cục đầy chủ ý từ phạm trù bản thể học của cá nhân để đi sâu vào “con người bên trong” trong sứ mệnh “làm người”: tìm ra chính mình, làm ra chính mình, sống với chính mình và giữ được mình. Rồi sau đó là trách nhiệm của một công dân (làm dân) cho đến làm việc và làm giáo dục.

Thật không dễ để kết nối bốn câu chuyện: cá nhân, gia đình, tổ chức và xã hội trong một cuốn sách. Bởi đó vừa là vấn đề rất chung của mọi xã hội, vừa lại là vấn đề rất riêng của mỗi cá nhân. Dưới các lăng kính và trải nghiệm khác nhau mỗi người sẽ tiếp nhận theo góc nhìn của mình, nhưng có thể nói, thông điệp nổi bật của cuốn sách là vun bồi tư tưởng, hình thành lối sống, phong cách sống tử tế và trách nhiệm, hướng tới việc xây dựng một "hệ điều hành" chuẩn mực mà các cá nhân, tổ chức hay xã hội có thể sử dụng và "cài đặt" cho mình.

Hương Hà