Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc có giải pháp ứng phó chủ động với bão số 3, đặc biệt trong đó là tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.

Cụ thể, các đơn vị của ngành giao thông Hà Nội phải chú trọng phương án phòng, chống úng ngập nội, ngoại thành; phương án phối hợp ứng phó phòng, chống cây đổ, cành rơi, giải tỏa cây đổ, bảo đảm giao thông khi mưa to, gió lớn.

nhon ga ha noi.jpg
Hà Nội có thể tạm dừng hoạt động tuyến đường sắt trên cao khi bão số 3 vào. Ảnh: Chí Hiếu

Sở GTVT yêu cầu bảo đảm an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, ứng phó sự cố công trình, sự cố gãy đổ, xê dịch biển báo giao thông; có phương án phối hợp hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, quy trình vận hành đường sắt đô thị rất chặt chẽ, trong đó đã có kịch bản ứng phó với các tình huống không bình thường.

Theo ông Vũ Hồng Trường, ngập lụt, mưa bão nằm trong tình huống không bình thường. “Hanoi Metro có ban phòng chống bão lụt. Căn cứ vào tình hình thực tế thì ban này sẽ kích hoạt phương án ứng phó đối với mỗi tình huống. Trong đó có phương án tạm dừng hoạt động các chuyến tàu", ông Trường nói.

Hanoi Metro hiện vận hành 2 tuyến tàu điện tại Hà Nội, bao gồm Cát Linh - Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đoạn trên cao. Theo phương án vận hành, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ phải ngừng chạy nếu gió vượt quá cấp 8; trong khi ngưỡng chịu gió của tàu Nhổn - Cầu Giấy là cấp 11.

Ông Ngô Xuân Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, lực lượng xe buýt có đặc thù riêng so với tàu điện chạy ở trên cao. “Trừ mưa gió cực lớn xe buýt mới phải tạm dừng hoạt động. Còn lại chúng tôi phải tăng cường xe buýt để hỗ trợ người dân không thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân”, ông Phú chia sẻ.

Lập tổ phản ứng nhanh giải tỏa cây đổ 

Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc huy động hơn 1.000 nhân viên ứng trực bão số 3. Đặc biệt, từ chiều 5/9, công ty đã cho vận hành các trạm bơm để hạ mực nước xuống mức thấp nhất trong các ao, hồ trên địa bàn thành phố.

thoat nuoc 1.jpg
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét bùn trong cống ngầm. Ảnh: Quang Phong

Tại khu vực nội thành, Công ty Thoát nước Hà Nội huy động lực lượng, trang thiết bị ngày đêm thông, hút rác tại hệ thống cống ngầm tiêu nước trên các tuyến phố. Hệ thống tấm đan ở hố ga thu nước cũng được lật lên để vệ sinh, chống gây cản trở dòng chảy.

Trong khi đó, Công ty Cây xanh Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiểm tra chằng chống các cây lâu năm, cây quý hiếm. Đồng thời gia cố cọc chống cây mới trồng và cây dưới 2 tuổi.

z5800346662866_1600584755cf2ec0bdbc59884fa5ba5d.jpg
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong kiểm tra công tác ứng trực bão số 3. Ảnh: Quang Phong

Công ty Cây xanh Hà Nội yêu cầu các đơn vị thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời các cây nghiêng, bênh gốc, sâu mục… để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đặc biệt, Công ty Cây xanh Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập tổ cơ động để đáp ứng kịp thời khi có mưa, bão xảy ra. Tổ chức lực lượng thống kê cây đổ, cành gãy để xử lý kịp thời, giải phóng mặt bằng, thông đường nhanh.

Sẵn sàng di dời người dân khỏi chung cư cũ

UBND quận Ba Đình (TP Hà Nội) đã chỉ đạo UBND các phường: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Cống Vị, Kim Mã tổ chức ứng trực sẵn sàng di chuyển người và tài sản ra khỏi nhà tập thể cũ, như C8 Giảng Võ, nhà G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148-150 Sơn Tây khi có sự cố.

UBND các phường Ngọc Khánh và Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh hoạt động vui chơi trên hồ Thủ Lệ, Trúc Bạch tạm dừng các hoạt động bến thủy nội địa, bảo vệ các phương tiện thủy nội địa khi có bão để bảo đảm an toàn cho người dân.