Bệnh nhân quê Hòa Bình, vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) sáng 14/5 để nội soi phế quản. 

Bác sĩ chỉ định gây mê cho bệnh nhân, nội soi và sinh thiết thuận lợi. Người bệnh tỉnh táo, gọi hỏi đáp ứng tốt, nhưng gần một giờ sau, sức khỏe của anh đột ngột diễn biến xấu, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu) tụt, tay chân lạnh, da xanh nhợt, tím tái, không bắt được mạch.

Lập tức, các bác sĩ cho bệnh nhân thở oxy mask (mặt nạ), tăng cường thuốc vận mạch nhưng rất nhanh anh đã rơi vào hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn ngay trước mắt bác sĩ.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau can thiệp ECMO. Ảnh cắt từ clip bệnh viện cung cấp

Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ toàn viện, thầy thuốc nhiều khoa phòng được huy động khẩn cấp để ép tim, đặt nội khí quản, sốc điện phá rung và dùng tối đa thuốc vận mạch.

Khoảng 20 phút sau, tim bệnh nhân đập trở lại, các chỉ số mạc, SpO2, huyết áp ổn định hơn. Tuy nhiên, 10 phút sau, anh tiếp tục ngưng tim, phải ép tim, sốc điện, quá trình có mạch rồi mất lặp lại đến lần thứ 5, vận mạch điều chỉnh tăng đến liều tối đa.   

Đến 11h20 phút, bọt lẫn máu chảy qua ống nội khí quản Sp02 tụt, bệnh nhân xuất hiện phù phổi cấp. Các chỉ số sinh tồn đều ở giới hạn nguy hiểm nhất.

Ngày 16/5, ông Phạm Văn Học, Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, nhận định đây là một trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp và đặc biệt. Bệnh nhân ngừng tuần hoàn không rõ nguyên nhân trong khi các thủ thuật nội soi trước đó không có bất thường. Nguy cơ đặt ra có thể do ngộ độc thuốc tê, sốc phản vệ hoặc tác dụng phụ của thuốc gây mê. Tất cả phải được giải quyết trong giây lát.

"Ở thời điểm cực kỳ nguy cấp, câu hỏi cần trả lời là tiếp tục để bệnh nhân ở lại hay chuyển tuyến?", các thầy thuốc đặt câu hỏi. Nhưng chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai liệu có kịp? Trong quá trình chuyển tuyến thì lấy phương tiện gì để lọc máu? Tại thời điểm này, lọc máu cấp cứu là việc làm bắt buộc, nhưng nếu bệnh nhân tiếp tục ngừng tim thì giải quyết như thế nào?

Bệnh viện đã hội chẩn và được các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đồng ý cử một ê-kíp gồm các chuyên gia hồi sức, trong đó chủ đạo là hệ thống máy ECMO (tim phổi nhân tạo) sẽ chạy ngược lên Bệnh viện đa khoa Hùng Vương để sẵn sàng ứng phó trong tình huống xấu nhất.

Tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương bệnh nhân được lọc máu liên tục, tiếp tục chạy vận mạch, hồi sức tích cực, bù dịch và theo dõi chặt chẽ.

15 giờ cùng ngày, nhóm chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, hệ thống máy ECMO được lắp đặt. Hơn 1,5 tiếng sau, điều kỳ diệu xuất hiện, kết quả xét nghiệm sinh hóa, kết quả siêu âm tim, kết quả X-quang phổi đều có diễn biến tích cực. Bác sĩ quyết định tạm dừng ECMO, giám sát chặt chẽ các chỉ số, tiếp tục duy trì lọc máu.

Sau 24 giờ chạy đua với thời gian, bệnh nhân tỉnh táo bình thường, các chỉ số sinh tồn ổn định và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc đặc biệt. Dự kiến chiều và đêm nay bệnh nhân sẽ được cắt máy thở và kết thúc lọc máu liên tục.