Gần đây, chị đến Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) khám.

Bác sĩ quan sát thấy một lỗ thủng màng tai kích cỡ trung bình, nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương vùng sau trên của ống tai ngoài bên phải, khi ấn vùng mặt xương chũm.

Kết quả chụp phim CT xương thái dương khẳng định bệnh nhân bị viêm tai xương chũm có khối cholesteatoma lớn trong xương chũm.

Người bệnh được phẫu thuật tiệt căn xương chũm ngay. Toàn bộ khối cholesteatoma có kích thước khá lớn chiếm toàn bộ xương chũm đã có xuất ngoại thành trên ống tai ngoài đã được lấy bỏ.

Hậu phẫu, người bệnh hết hoàn toàn triệu chứng đau đầu và mất ngủ. Khối tổ chức cholesteatoma chưa gây tổn thương tới các cơ quan quan trọng ở trong tai và vùng xung quanh.

Tiến sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Tai - Mũi - Họng, ngày 16/5 cho biết với những trường hợp như bệnh nhân T. hoặc ca khó chẩn đoán, các phương pháp thăm dò chẩn đoán hình ảnh hiện đại như chụp CT có thể giúp khẳng định bệnh.

Ông khuyên người dân khi có các triệu chứng đau tai, chảy mủ tai, mủ có mùi bất thường, hoặc có các triệu chứng thần kinh, sọ não bất thường, cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn kĩ càng.

Cholesteatom là sự tích tụ bất thường các tế bào da chết tạo thành một khối sừng hóa ở tai giữa, xương chũm của tai. Viêm tai mạn tính có cholesteatoma tuy không ác tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Các biến chứng nặng bao gồm liệt mặt do tổn thương dây thần kinh số VII, chóng mặt do tổn thương tiền đình ngoại biên hoặc viêm não, màng não nếu tổn thương lan tràn vào tai trong hoặc não.

Trong y văn, các triệu chứng của viêm tai có cholesteatoma thường được mô tả khá điển hình với các tính chất chảy mủ mùi thối, mủ tạo vẩy, tổn thương thủng màng tai vùng màng chùng.

Tuy nhiên, gần đây, với sự phát triển của thuốc kháng sinh, các triệu chứng bệnh thường không điển hình nên dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các bệnh viêm tai thủng màng tai thông thường khác.

Hằng năm, trong 100.000 người lớn, chỉ có từ 9-12 trường hợp viêm tai có cholesteatoma. Do tính chất ít gặp của bệnh, việc thăm khám thiếu tỉ mỉ hoặc không có kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa có thể khiến bệnh bị bỏ sót, không được phát hiện sớm. Theo Viện Y học về sức khỏe quốc gia Mỹ