Theo Sở Y tế TP.HCM, vắc xin DPT-VGB-HiB được cấp lần gần nhất vào tháng 10/2022 và đã hết từ đầu tháng 3 năm nay. Đây là vắc xin phối hợp 5 trong 1, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib. 

Vắc xin DPT được cấp lần gần nhất là tháng 2 và đã hết từ đầu tháng 5. Đây là vắc xin có tác dụng phòng 3 bệnh truyền nhiễm bạch hầu, ho gà, uốn ván hấp phụ. 

Các loại vắc xin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng còn số lượng rất hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm. 

Cụ thể, đến cuối tháng 5, TP sẽ hết vắc xin viêm gan B, vắc xin viêm não Nhật Bản, đến giữa tháng 6 sẽ hết vắc xin lao (BCG), đến tháng 7 sẽ hết vắc xin bại liệt (bOPV) và vắc xin sởi, đến tháng 8 sẽ hết vắc xin uốn ván (VAT), đến hết tháng 9 sẽ hết vắc xin sởi và rubella (MR).

Nhiều trẻ nhỏ bị hoãn tiêm do hết vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ảnh: HCDC.

Theo Sở Y tế, tình trạng tạm gián đoạn cung ứng một số loại vắc xin tiêm chủng mở rộng như hiện nay là bất khả kháng. Các cơ sở tiêm chủng mở rộng trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động thường xuyên theo lịch cố định, tiêm các vắc xin hiện còn, lập danh sách trẻ chưa được tiêm đúng lịch để mời ra ngay khi có lại vắc xin. 

Về cung ứng, hàng tháng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) sẽ báo cáo dự trù vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho Viện Pasteur TP.HCM và được cung ứng mỗi 2 tháng. Lần gần nhất, HCDC nhận vắc xin là ngày 24/4 (gồm các vắc xin BCG, bOPV, viêm não Nhật Bản, sởi, uốn ván và viêm gan B).

Tuy nhiên, ngày 3/4, Bộ Y tế ban hành văn bản số 1810 về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên.

Theo đó, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vắc xin cho tiêm chủng mở rộng, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi, thuốc kháng HIV (ARV), thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ Bảo hiểm y tế mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. 

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin nêu trên theo quy định.

Bộ Y tế yêu cầu UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin theo quy định, phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng và phòng chống dịch, bệnh tại địa phương.

Trước tình hình mới này, ngành y tế thành phố đã khẩn trương xây dựng kế hoạch đấu thầu vắc xin tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngày 12/5, Sở Y tế lại nhận được công văn hỏa tốc của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Do đó, Sở đã có văn bản gửi dự trù vắc xin tiêm chủng mở rộng trong những tháng còn lại của năm 2023, dự trữ 6 tháng năm 2024 để được cung ứng trở lại như trước. 

Khu vực tiêm ngừa ở Viện Pasteur TP.HCM không có người tiêm vì hết vắc xin. Ảnh chụp tháng 6/2022.

Trong năm 2022, TP.HCM đã nhiều lần căng thẳng vì nhiều loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn.

Đối với vắc xin dịch vụ, từ giữa năm 2022, Viện Pasteur TP.HCM xảy ra tình trạng cạn kiệt vắc xin dịch vụ khiến người dân gặp khó khăn lớn khi muốn tiêm phòng. Đến ngày 15/5, viện có 19/27 loại vắc xin dịch vụ và tiến hành tiêm chủng ngay. 

Vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.

Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Sau một thời gian thí điểm, chương trình từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng.

Đến năm 2010, 11 vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình. Đó là vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.