Theo bảng lãi suất huy động tiền đồng ở thời điểm ngày 2/5/2020, mặt bằng lãi suất tiết kiệm online ở các ngân hàng thương mại đang cao hơn từ 0,3-1,2 điểm % so với lãi suất huy động tại quầy cùng kỳ hạn. 

Với kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền tiết kiệm online, mức lãi suất có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng, dao động từ 5,1-8,3%.

Trong đó, CBBank có mức lãi kỳ hạn 6 tháng trở lên cao nhất thị trường, ở mức 8,3%. Bám đuổi ở vị trí rất sát là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), đạt mức 8,21% cho hình thức gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng. Mức 7-7,9% cho các sản phẩm tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng được nhiều ngân hàng như: Đông Á bank, OCB, MaritimeBank, Bảo Việt, NCB, Bắc Á Bank... niêm yết. Nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) chỉ áp dụng mức lãi suất 4,9-5,4% cho các sản phẩm tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng.

{keywords}
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm online hơn lãi suất huy động tại quầy.

Ở kỳ hạn 9 tháng khi gửi tiền tiết kiệm online, mức lãi suất của các ngân hàng có sự tăng nhẹ so với kỳ hạn 6 tháng, ở mức từ 4,9-8,36%. SCB tiếp tục là ngân hàng có lãi suất cao nhất cho khách hàng gửi online kỳ hạn 9 tháng, đạt mức 8,36%. Nhóm Big 4 vẫn áp dụng mức lãi suất 4,9-5,4% cho các sản phẩm tiết kiệm online ở kỳ hạn này.

Đối với các kỳ hạn dài, lãi suất tiết kiệm online của các nhà băng cũng khá cạnh tranh.

Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm online của các ngân hàng hiện dao động từ 6,5-8,66%. SCB vẫn là ngân hàng có lãi suất cao nhất cho khách hàng gửi online ở kỳ hạn này. Trong khi đó, đa phần các ngân hàng đều giữ mức lãi suất từ 7-7,9% với kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng gửi online. Còn nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước niêm yết mức lãi suất từ 6,5-7,1%.

Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất tiết kiệm online của các nhà băng cũng được niêm yết bằng hoặc cao hơn một chút so với kỳ 12 tháng, với mức từ 6,45-8,76%. Trong đó, vị trí quán quân vẫn là ngân hàng SCB với mức 8,76%/năm. Các ngân hàng nhóm Big 4 lãi suất chỉ ở mức 6,45-7%/năm.

Ở các kỳ hạn dài hơn như 24 tháng và 36 tháng cho hình thức gửi online, đa số các nhà băng đều giữ nguyên hoặc thậm chí là giảm lãi suất so với kỳ hạn 18 tháng.

Gửi tiền online là hình thức đang được nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Hơn nữa, hình thức gửi tiền online còn giúp khách hàng được hưởng lãi suất cao hơn khá nhiều so với lãi suất gửi trực tiếp tại quầy.

{keywords}
Gửi tiền online đang được nhiều ngân hàng khuyến khích khách sử dụng.

Hiện nay, để khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến, hầu hết các ngân hàng đã thực hiện miễn/giảm phí chuyển tiền cho người dân. Tính đến ngày 26/3, có 37 ngân hàng thương mại đã miễn, giảm phí chuyển tiền cho khách hàng. Trong đó có 14 ngân hàng đưa mức thu phí về 0 đồng, chiếm 49,1% lượng giao dịch miễn phí dịch vụ.

Theo công bố của Công ty cổ phần Thanh toán chuyển mạch quốc gia Việt Nam (NAPAS), trong tháng 3 vừa qua, tổng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng giá trị nhỏ qua hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia tăng hơn 32% so với tháng 2. Qua đây, có thể thấy, khách hàng đã có sự dịch chuyển từ chi tiêu bằng tiền mặt sang sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế những tác động từ Covid-19.

Nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng.

Đến nay, NAPAS và các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều chương trình miễn giảm phí chuyển mạch trong năm 2020 gồm: miễn phí dịch vụ công và miễn/giảm lên đến 72% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống từ 25/2 đến hết 31/12; miễn/giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho giao dịch từ trên 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng từ 25/3 đến hết 31/12.

Anh Tuấn