Đây là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng nêu ra tại văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý để đảm bảo ổn định thị trường bất động sản (BĐS).

Đánh giá về thực trạng thị trường BĐS thời gian gần đây, Bộ Xây dựng cho rằng tại một số địa phương xảy ra tình trạng doanh nghiệp BĐS vi phạm pháp luật về kinh doanh BĐS và pháp luật khác có liên quan.

Như việc doanh nghiệp triển khai việc chuyển nhượng đất đai, thực hiện quy hoạch và dự án kinh doanh BĐS trái quy định; Phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; Mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý… Thực trạng này gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS.

{keywords}

Thời gian qua dù hạ tầng còn ngổn ngang nhưng “cò” vẫn đua nhau hét giá đất tại các khu đô thị khiến cho thị trường bất động sản bị méo mó.

 

Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây biến động thị trường.

Đồng thời, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền.

“Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với: Các chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định pháp luật; Tổ chức, cá nhân đưa thông tin về quy hoạch, thông tin về dự án và giá BĐS... sai sự thật để trục lợi.

Các tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung nêu trên và gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ Xây dựng trước ngày 15/8/2019.

Kẽ hở khiến phân lô, bán nền trái phép tràn lan

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, trong những năm gần đây tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở, bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán.

“Thực trạng này dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn; làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương, gây trở ngại trong thu hút các nhà đầu tư dự án lớn do giá đất đã bị đẩy lên quá cao” – ông Châu nhận định.

Theo vị Chủ tịch HoREA, thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp BĐS “bất lương”.

“Các đầu nậu này lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của khách hàng cấu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở (hoặc cấp cơ sở buông lỏng quản lý) để phân lô bán nền”, ông Châu nói.

Để chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền trái phép tràn lan, ngăn chặn các đợt sốt ảo giá đất, Chủ tịch HoREA đề nghị bổ sung Luật Dân sự quy định trường hợp “đặt cọc” để bảo đảm giao kết hợp đồng mua bán BĐS (trong đó có đất nền) hình thành trong tương lai phải vừa tuân thủ quy định của Luật Dân sự, phải vừa tuân thủ quy định của Luật Kinh doanh BĐS.

“Việc sốt giá đất ảo và phân lô bán nền tràn lan cũng có một phần trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh BĐS.Một số ít doanh nghiệp BĐS “bất lương” và “đầu nậu” đã phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật, gây thiệt hại cho khách hàng, làm mất an ninh, trật tự xã hội”, ông Châu nêu ý kiến.

Trao đổi với báo chí, PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư và năng lượng, nhấn mạnh: “Việc cho phép phân lô, bán nền chỉ nên là giải pháp tình thế cho riêng các dự án đã làm trước đây, ở một vài nơi mà chủ đầu tư đã trót sang tay mấy lượt. Nếu tiếp tục cho phân lô, bán nền, chính quyền sẽ bật đèn xanh cho doanh nghiệp kiếm lời từ việc xin cấp đất rồi chuyển nhượng ồ ạt mà không phải đầu tư gì. Khi đó, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều khu đô thị, khu dân cư với bộ mặt xấu xí, là rào cản cho sự phát triển đô thị”.

Hồng Khanh

Ôm tiền lao vào cơn sốt đất nền ven biển, coi chừng chết gí

Ôm tiền lao vào cơn sốt đất nền ven biển, coi chừng chết gí

- Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận đất nền không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư "lướt sóng" và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi giá bán nhiều nơi đã bị "thổi" cao ngất ngưởng.