Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (người được biết đến với cái tên 'bầu Đức') cho biết, chưa xin xỏ gì về việc nhập khẩu đường từ Lào về Việt Nam, hiện giờ Tập đoàn vẫn còn cân nhắc, tính oán, 'chưa chắc đã mang đường về Việt Nam'.

Trả lời phỏng vấn, ông Đoàn Nguyên Đức tiếp tục khẳng định doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai đứng ngoài cuộc trong câu chuyện gây tranh cãi thời gian gần đây về việc cho hay không cho Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu đường tinh luyện vào Việt Nam.

"Hoàng Anh Gia Lai không có đề xuất gì trong chuyện này, chưa bao giờ đề xuất. Đây là việc của 2 chính phủ Lào và Việt Nam", ông Đức khẳng định.

Theo ông Đức, việc ầm ĩ là do phía Hiệp hội "lo sợ" ảnh hưởng đến quyền lợi của chính những cá nhân trong Hiệp hội. Bởi lẽ ông Đức cho rằng, ở đây không có có sự khách quan trong các kiến nghị. Những thành viên Hiệp hội như Chủ tịch, phó Chủ tịch, Tổng thư ký... đều là những "người buôn" đường. Họ trước tiên muốn bảo vệ quyền lợi của bản thân mình thôi chứ làm gì có nông dân.

{keywords}

Những tranh cãi xung quanh việc cho hay không cho Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu đường tinh luyện về Việt Nam vẫn chưa có hồi kết (Ảnh minh họa)

"Nếu họ không phải người kinh doanh đường ở Việt Nam thì họ nói rất khách quan nhưng ở đây họ kinh doanh đường, họ đang mua bán đường", ông Đức nói.

Ông Đức cũng viện dẫn những ngành nông nghiệp khác hiện nay đều đang phát triển đúng hướng, theo cơ chế thị trường mà không cần sự bảo hộ của nhà nước như lúa gạo, hạt điều, cá ba sa...

"Ngành mía đường càng bảo hộ thì càng nghèo. Có nông dân nào trồng mía mà giàu chưa? Nguyên nhân do nhà nước bảo hộ cho 1 nhóm người chứ không phải bảo hộ cho nông dân Việt Nam... 90 triệu người dân đang phải ăn đường mía đắt vì họ. Đắt hơn thị trường tới 50% chứ không phải 30% đâu", ông Đức nêu vấn đề.

Về nghi vấn của Hiệp hội mía đường rằng, nếu năng suất mía đường của Hoàng Anh Gia Lai thực sự cao như báo cáo, thì có nhất thiết phải yêu cầu được đưa về tiêu thụ tại Việt Nam, mà không nhằm vào các nước như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc là những quốc gia nhập khẩu đường hàng năm gấp hàng trăm lần sản lượng của Hoàng Anh Gia Lai. “Phải chăng bên sau tiềm lực mạnh mẽ của sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai còn có điều gì chưa ổn?”

Ông Đức cho hay, hiện sản lượng của Tập đoàn tại Lào rất lớn, nếu không xuất khẩu thì "ế à?". Tuy nhiên, ông Đức vẫn nhắc lại Tập đoàn chưa hề xin được nhập khẩu đường vào. Chưa chắc Hoàng Anh Gia Lai đã đưa đường vào Việt Nam vì còn phải cân nhắc, cảm thấy có lợi mới đưa vào.

Nhìn nhận về câu chuyện kinh doanh của các doanh nghiệp đường trong nước, ông Đức cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp nội làm ăn không tốt bên cạnh việc được bảo hộ quá lâu của nhà nước còn là câu chuyện nhiều kì về quy hoạch khi nhà máy sản xuất đường còn nhỏ, lạc hậu; ngành mía đường không đầu tư vào vùng nguyên liệu, không có giống mới,...

"Cho tất cả nhà máy đường mở cửa đi, các nhà máy đường cũng sẽ không chết, sẽ có nhà đầu tư mua lại, họ đầu tư trở lại, cổ phần hóa thì ngành đường sẽ sống lại", ông Đức nói.

Được biết, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư 68,7 triệu US vào xây dựng nhà máy nhiệt điện và mía đường và 19,1 triệu USD vào vùng nguyên liệu mía tại Attapeu, Lào.

Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, mía đường đã đem về doanh thu xấp xỉ 840 tỷ đồng cho tập đoàn.

Việc trồng trọt và sản xuất mía đường tại Lào của Hoàng Anh Gia Lai được cơ giới hóa và công nghiệp hóa ở tất cả các khâu từ đất trồng mía, làm cỏ, bón phân, tưới nước, thu hoạch đến sản xuất, đóng gói thành phẩm.

Bản thân ông Đức cũng đã từng tuyên bố năng suất bình quân sản xuất mía đường tại Lào sẽ đạt khoảng 120 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân ở Việt Nam và Thái Lan…

Trong cuộc trả lời phỏng vấn VTC News ngày 10/3 ông Đức cho hay, nếu đường của Hoàng Anh Gia Lai vào Việt Nam nhất định sẽ có giá bán cạnh tranh, người dân sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, ông này cho hay không thể tiết lộ được giá bán cạnh tranh với đường nội địa sẽ là bao nhiêu mà sẽ theo cơ chế thị trường hết, chỉ biết sẽ là "bán rẻ hơn nhiều so với các ông nhà máy đường bán, so với giá thị trường".

Trước đó, thông tin về đề xuất cho nhập khẩu 30.000 - 40.000 tấn đường được sản xuất tại nhà máy ở Attapeu (Lào) cho công ty cổ phần đường Biên Hòa để tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang bị hiệp hội mía đường Việt Nam kịch liệt phản đối.

(Theo VTC)