“Món đồ quý nhất”

Sau nhiều năm sưu tầm, kỷ lục gia Dương Rạch Sanh (SN 1978, TP.HCM) hình thành, sở hữu bộ sưu tập hơn 2.500 kỷ vật trước năm 1975 của người Hoa ở TP.HCM. Mỗi kỷ vật được anh sưu tầm đều ẩn chứa câu chuyện độc đáo.

Tuy nhiên, trong số 2.500 kỷ vật, chiếc gối Lỗ Ban có tuổi đời 125 năm được anh xem là món đồ quý nhất. Anh Sanh cho biết, chiếc gối được chế tác từ gỗ này thuộc về gia đình ông Lưu Thực Nhơn.

Ông Nhơn năm nay đã ngoài 80 tuổi và là người Hoa gốc Triều Châu. Chiếc gối Lỗ Ban của gia đình ông có tuổi đời 125 năm và được lưu truyền qua 5 thế hệ.

"Báu vật" là chiếc gối Lỗ Ban được chế tác tinh xảo, có tuổi đời 125 năm.

Anh Sanh thông tin: “Gối Lỗ Ban còn có tên gọi là Hạt bai hay ghế đẩu Lỗ Ban. Theo truyền thuyết, loại gối này do ông Lỗ Ban (507- 444 trước Công Nguyên), người được mệnh danh là ông tổ của ngành xây dựng Trung Quốc phát minh.

Kỹ thuật chế tác gối Lỗ Ban tinh xảo và phức tạp, cần phải trải qua hơn 10 công đoạn như: cưa, bào, mài, khoan, đục, đào, đánh bóng… mới có thể hoàn thành. Tùy vào mục đích sử dụng, chiếc gối có thể thay đổi hình dáng một cách linh hoạt”.

“Chiếc gối Lỗ Ban tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Giống như vạn vật trên đời, nó là sự thống nhất giữa âm và dương, động và tĩnh”, anh nói thêm.

Chiếc gối gỗ anh Sanh đang sở hữu có kích thước khá nhỏ, được tạo tác từ một tấm gỗ nguyên khối. Tuy nhiên, bằng kỹ thuật cưa, đục mộng khéo léo, tinh xảo, người chế tác biến tấm gỗ dày thành vật dụng này có thể thay đổi hình dáng một cách linh hoạt.

Chỉ với một thao tác, người sử dụng có thể xếp gọn vật dụng này thành chiếc gối để gối đầu khi ngủ hay tách ra thành chiếc ghế đẩu để ngồi. Ở hình dạng nào, vật dụng này cũng đều vững chãi, cân đối dù không hề sử dụng bất cứ loại đinh nào.

Sau hơn 125 năm tồn tại, chiếc gối đã mòn, khuyết một góc nhưng kết cấu vẫn linh hoạt, vững chắc. Trên gối có khắc các chữ: “Năm 1898, Triều An năm Mậu Tuất” bằng tiếng Hoa. Các thông tin này cho thấy, chiếc gối được thợ mộc có kỹ thuật cao chế tác từ năm 1898.

Những ký tự bằng tiếng Trung Quốc trên chiếc gối cổ.

Với cách hiểu này, chiếc gối đã trải qua 3 thế kỷ gồm: khoảng thời gian cuối của thế kỷ 19, trọn thế kỷ 20 và bây giờ là thế kỷ 21. Ngoài ra, tại một số vị trí, chiếc gối còn được khắc những câu thơ bằng Hán tự. Tuy nhiên, do thời gian sử dụng quá lâu, các ký tự này đã bị mài mòn, không thể đọc.

Không chỉ đặc biệt về kết cấu, cách chế tác, chiếc gối Lỗ Ban nói trên còn ẩn chứa câu chuyện văn hóa thú vị, nhân văn. Đặc biệt, đây là vật dụng giúp người sử dụng lưu giữ tình thân gia đình, gợi nhớ cố hương.

Lưu giữ tình thân, gợi nhớ cố hương

Theo anh Dương Rạch Sanh, chiếc gối cổ nói trên là vật dụng thường ngày của ông nội ông Thực Nhơn. Ông Thực Nhơn biết về lai lịch chiếc gối cổ qua lời kể của cha mình là ông Lưu Quang.

Thời thanh niên, ông Lưu Quang quyết định rời Triều Châu (Trung Quốc) đến Sài Gòn-Chợ Lớn xưa lập nghiệp. Lúc chia tay gia đình, ông Lưu Quang được cha của mình tặng chiếc gối Lỗ Ban với nhiều ý nghĩa. Một trong số này là để người ra đi nhớ về gia đình, người thân, cố hương.

Anh Sanh cho biết: "Trong văn hóa người Hoa, chiếc gối đầu có rất nhiều ý nghĩa. Đa phần những chiếc gối của người Hoa xưa tại TP.HCM đều được các vị cao niên mang theo từ Trung Quốc khi Việt Nam sinh sống.

Hiện, chiếc gối cổ được anh Dương Rạch Sanh gìn giữ, bảo quản. 

Những chiếc gối cũng là món đồ cha mẹ, ông bà thường tặng cho con, cháu khi họ ly hương đến nơi khác sinh sống. Sở dĩ họ tặng gối là vì người xưa quan niệm, chiếc gối gắn với giấc ngủ, giấc mơ của mỗi người.

Và khi sử dụng chiếc gối ấy trong lúc ngủ, nó sẽ đưa chủ nhân vào những giấc mơ về quê hương, gia đình, người thân. Ngoài ra, họ tặng gối còn mang ý nghĩa mong con cháu nhớ về quê hương, tổ tiên. Vì lúc ấy, khi đi xa là không biết bao giờ mới có thể quay trở lại”.

Mang theo kỷ vật của cha sang Việt Nam, ông Lưu Quang gìn giữ và quý trọng chiếc gối như báu vật. Ông sử dụng chiếc gối trong mọi giấc ngủ của mình.

Ngày còn nhỏ, khi thấy cha luôn gối đầu lên chiếc gối Lỗ Ban khi ngủ dù đêm hay ngày, ông Thực Nhơn cũng hết sức tò mò. Sau này, khi biết đó là kỷ vật của ông nội để lại, ông mới hiểu tầm quan trọng của nó.

Tuy nhiên, trước đây, chiếc gối thuộc về gia đình ông Lưu Thực Nhơn. (Ảnh nhân vật cung cấp).

“Đó là vật duy nhất gợi nhắc ông về quê hương Triều Châu xa xôi và những người thân yêu của mình. Thế nên, dù chiếc gối đã mòn đến gãy đi một góc, ông vẫn không nỡ vứt đi mà gìn giữ nó như bảo vật”, ông Nhơn chia sẻ.

Sau này, khi ông Lưu Quang qua đời vào năm 1973, ông Thực Nhơn tiếp tục gìn giữ, bảo quản chiếc gối cổ của gia đình. Cũng như cha mình trước đó, gần như suốt cuộc đời, ông Thực Nhơn luôn trân trọng chiếc gối Lỗ Ban.

Tuy nhiên, ít năm trước, khi biết anh Dương Rạch Sanh sưu tầm kỷ vật người Hoa để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, ông Nhơn tình nguyện quyên góp chiếc gối.

Anh Sanh chia sẻ: “Chiếc gối Lỗ Ban có thể không có giá trị cao về tiền bạc. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, văn hóa, chiếc gối này có ý nghĩa rất lớn.

Nó không chỉ kỷ vật có tuổi đời vắt qua 3 thế kỷ, được một gia đình gìn giữ, lưu truyền suốt 5 đời. Ngoài ra, chiếc gối còn thể hiện sự sâu sắc của văn hóa Trung Hoa và có giá trị văn hóa xã hội nhất định”.