-Giáo viên tự thiết kế bài học, không phải là người đi diễn giải lại nội dung SGK. Đó là lí do mà không trò nào giống học trò nào. Nền giáo dục đã tạo ra được các cá nhân. Chứ không phải là các học sinh mặc đồng phục về kiến thức. 

Học cái gì? 

Từ lâu rất nhiều người đã quên mất câu hỏi gốc gác này và chỉ say mê bàn chuyện học như thế nào, rồi tập trung cho khâu đổi mới phương pháp dạy học. Nhưng đó vẫn chỉ là bề nổi. Hãy thử nhìn sang các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Trước hết từ nền giáo dục Hoa Kỳ:

Bộ khung nội dung là quan trọng tối cao. Bộ khung này quy định tất cả các đầu mục kiến thức nền tảng mà người theo học cần đạt. Ví như môn khoa học thiếu nhi cho tiểu học. Bộ GD sẽ soạn ra các đầu mục chương trình cho từng lớp và các hãng viết sách cứ theo đó mà viết SGK.  Mỗi hãng sẽ viết một kiểu theo bộ khung này và các trường được trao quyền tự do chọn lựa bộ SGK tốt nhất hoặc phù hợp nhất với phong cách đào tạo và triết lý giáo dục của mình. 

Đây chính là không gian cho tự do học thuật ở bậc phổ thông. Bộ GD và thậm chí các bang không được phép can thiệp vào việc chọn SGK của các trường. Bộ GD Mỹ hoàn toàn có thể tự viết nội dung SGK nếu muốn. Song ít trường chọn điều đó.

Bộ khung này có thể ví như một thứ "kinh thánh". Nó phải chuẩn và đủ. Không được phép sai lệch hay thừa. Tiêu chuẩn phải chính xác về đầu mục và nội dung kèm theo là một thứ bảo bối giúp nền giáo dục của bất kì nước nào hay một trường ĐH nào đi lên.

Thứ hai  là bài học từ Singapore: Nền giáo dục phổ thông của Singapore theo hệ thống của Anh quốc. Trong khoảng 20 năm họ đã tiếp cận và đạt được chất lượng của hệ thống giáo dục Anh quốc. 

Trong khi đó, trường chính sách công Lý Quang Diệu trực thuộc ĐH quốc gia Singapore NUS. Khi thành lập, NUS đã định hướng trường này theo mô hình trường chính sách công số 1 thế giới là Kennedy thuộc viện đại học Harvard. Để làm được như vậy NUS đã mua khung chương trình của trường Kennedy cho trường Lý Quang Diệu. Họ chỉ mất hơn 10 năm để đưa chất lượng đào tạo lên tầm thế giới.

Hiện trường Lý Quang Diệu là cái tên hàng đầu châu Á trong đào tạo chính sách công và nằm trong top 10 thế giới ở lĩnh vực và ngành hẹp này. 

Hai câu chuyện trên gợi ý rất nhiều cho cho những người làm GD ở VN.

{keywords}

"Những cá nhân đặc biệt" của Singapore và Mỹ (từ trái sang): Lý Quang Diệu, Barack Obama, Mark Zuckerberg, Bill Gates.

Học thế nào?

Tiêu chí khung giá trị cần chuẩn xem ra không phải ai cũng làm đúng cho dù rất giản dị. Nếu chưa thể làm chuẩn thì tốt nhất là thuê hoặc mua như Singapore đã làm. Nó giống cái la bàn giúp ta đi đúng hướng. 

Lấy ví dụ về đề án viết SGK tiếng Anh phổ thông của Việt Nam mới được bàn thảo gần đây. Tại hội nghị quốc gia, vị chủ trì hội thảo phát biểu rằng: SGK tiếng Anh của ta cần đưa vào đó các nội dung về văn hóa Việt Nam. Nghĩa là để có sách dạy tiếng Anh mang văn hóa Việt, nhóm biên soạn phải viết lai sách, đồng nghĩa với việc các học sinh vẫn tiếp xúc và học kiểu tiếng Anh do người Việt viết, thay vì ngôn ngữ chuẩn do người bản ngữ soạn.  

Chừng đó để thấy cách tiếp cận khung chương trình như thế đã chệch hướng ngay từ đầu.

Một hạn chế nữa cần khắc phục, đó là từ lâu chúng ta đều biết kiểu dạy, học nhồi nhét và thuộc vẹt. Kiều học đó sẽ triệt tiêu năng lực tư duy, đặc biệt là tư duy sáng tạo và sẽ phá hủy mảnh đất ươm trồng trí tưởng tượng - thứ còn quan trọng hơn cả trí thông minh như: hoạt động vui chơi: nuôi dưỡng trí tưởng tượng. Thói quen đọc sách: ươm mầm đam mê và ước mơ. 

Cần thêm các trải nghiệm cuộc sống để mang lại cảm xúc. Cảm xúc dẫn đến ý tưởng. Các nước phát triển coi trải nghiệm cuộc sống là cả một nền giáo dục riêng mà ở đó giáo dục ở nhà trường trở nên gắn bó với giáo dục gia đình. Tên gọi chính xác của nền giáo dục này là ComEd  - Community Education. Giá trị sâu xa cần đạt tới là tinh thần cống hiến, gốc gác của sự nhân văn. 

Vế thứ 2 của học cái gì là "học vừa đủ", nhưng có lẽ  quá khó để định lượng và đôi khi nó không còn nằm trong ý chí chủ quan của cả người dạy lẫn người học. Ngay cả với một nền giáo dục chuẩn mực như Singapore thì nguyên lý học vừa đủ cũng bị phá vỡ bởi chính họ cũng khó lòng cưỡng lại và đẩy lùi xu hướng đó.

Cho đến gần đây, những người làm giáo dục nước này đã có một số động thái để cải thiện tình hình.

Trước hết, ĐH quản trị Singapore SMU là 1 đại học của nhà nước nhưng chính phủ đã xã hội hóa, cho phép tư nhân vận hành theo mô hình đại học của Hoa Kỳ mà cụ thể là Trường Kinh Doanh The Wharton thuộc đại học Pennsylvania ( UPenn - một trong 8 trường thuộc nhóm Ivy League ).

Kết quả là SMU không chạy theo việc học nặng mà thay vào đó là việc học vừa đủ. Họ đưa vào các chương trình bằng đôi liên kết với UPenn và đưa phương pháp học Discussion - based Learning (tức là học tập dựa theo thảo luận có gốc gác từ Reed College). Phương pháp này buộc người học phải đọc nhiều để đưa ra đươc ý kiến riêng của mình. Và với mục tiêu đọc để có ý kiến riêng thì việc học vẹt cộng nhồi nhét đã dần được loại bỏ. 

Hai, Đại học công nghệ và thiết kế SUTD là một bước tiến mới và nỗ lực mạnh mẽ hơn của chính phủ Singapore trong việc tiếp cận tư duy giáo dục độc lập và triết lý sáng tạo cá nhân của Mỹ. Việc học cái gì đã được đưa xuống dưới mức đủ thành mức ít. Để cho người học dành thời gian nhiều hơn nữa cho việc sáng tạo. Sáng tạo ở mức cao là phải ra được sản phẩm cụ thể. 

Còn các  trường của Mỹ sẽ từ khung chương trình học cái gì đúng và đủ để đưa ra các mục tiêu giáo dục mà họ muốn học sinh hướng tới. Giáo viên được trao quyền thiết kế bài học dựa theo cả khung chương trình và mục tiêu học trên nền nội dung của cuốn SGK họ chọn. Như vậy giáo viên không phải là người chỉ đi diễn giải lại nội dung SGK. Họ chủ động sáng tạo lại cách thể hiện nội dung học cái gì. Các lớp học theo giáo viên khác nhau sẽ tiếp cận các nội dung học và cả hàm lượng khác nhau.

Sự chủ động, độc lập và sáng tạo của giáo viên cũng sẽ sản sinh ra các học trò có các phẩm chất như thế. Đó là lí do mà không ai giống ai. Nền giáo dục đã tạo ra được các cá nhân. Chứ không phải là các học sinh mặc đồng phục về kiến thức.  

Và đó nên là mục tiêu chính của giáo dục. 

  • Nguyễn Tuấn Hải