“Đáng ngạc nhiên là các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, có lẽ bị lóa mắt bởi sự phát triển quyền lực tổng thể đầy ấn tượng của nước này, đã không nhận ra chính sách đối đấu của họ trong những năm qua đã kích hoạt một phản ứng châu Á.”

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 bài phỏng vấn TS. Enrico Fels, đại học Bonn, CHLB Đức về một số vấn đề xung quanh tranh chấp trên Biển Đông.

>> Xem lại Phần 1: TQ muốn ngăn Mỹ, giành quyền thống trị trên Biển Đông

Sự thiếu vắng của cộng đồng an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương, đúng như ông phân tích trong phần trước, đang là một vấn đề lớn. Trong bài phát biểu của ông tại đại học Yale hồi tháng 5, ông đã nói về kinh nghiệm hữu ích từ quá khứ của châu Âu cho Biển Đông qua Hiệp định Spitsbergen. Xin ông làm rõ thêm ý này.

Bài thuyết trình của tôi tập trung vào một hiệp định ít người biết về quần đảo Spitsbergen (đổi tên Svalbard trong tiếng Na Uy). Hiệp định Spitsbergen được ký kết năm 1920, có hiệu lực năm 1925 về trạng thái chính trị của quần đảo quan trọng này, cũng như các hòn đảo liền kề tại biển Arctic phía bắc Na Uy.

Hiện nay, 43 quốc gia đã ký kết hiệp ước – bao gồm nhiều chính phủ châu Á – Thái Bình Dương như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và gần đây nhất là Hàn Quốc và Triều Tiên. Quần đảo Spitsbergen được phát hiện vào cuối thế kỷ 16 và nhanh chóng rơi vào tranh chấp vì vị trí của nó và nguồn tài nguyên đa dạng.

Vua Anh cũng như Vua Đan Mạch – Na Uy đã tuyên bố quyền sở hữu, trong khi các quốc gia khu vực quan trọng khác như Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Nga thì xem nó như đất vô chủ, một khu vực có thể khai thác bởi bất cứ ai muốn và có năng lực thực hiện. Các cuộc đối đầu giữa tàu và các nhóm săn đã nổ ra, nhiều người đã bị giết.

Tuy nhiên, căng thẳng đã hạ nhiệt nhanh chóng khi vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ nhất, sau Hiệp định hòa bình Versailles, chủ quyền của Spitsbergen cuối cùng đã thuộc về Na Uy – một trung cường khu vực. Hơn nữa, hiệp ước cũng phi quân sự quần đảo và cho phép tất cả các bên ký kết khai thác khoáng sản, cá trong vùng biển chủ quyền, thực hiện các hoạt động khoa học và kinh doanh trên Spitsbergen.

Dù cho một số bất đồng xảy ra trong hơn 90 năm thực thi Hiệp ước, thỏa thuận cũng đã tồn tại lâu dài và thúc đẩy ổn định, khai thác chung và phát triển kinh tế. Thậm chí trong suốt Chiến tranh lạnh, Na Uy, một thành viên sáng lập của NATO, không hề ngăn cản Liên Xô tiếp cận vùng biển hoặc lãnh thổ. Hiện nay, Hải quân Nga vẫn phụ thuộc vào tuyến đường không bị ngăn cản thông qua khu vực này để vào Đại Tây Dương.

Bài học của hiệp định Spitsbergen truyền tải thông điệp gì cho các hướng tiếp cận giải quyết tranh chấp Biển Đông hiện nay thưa ông?

Theo tôi, trong khi chúng ta phải thấu hiểu Trung Quốc như một cường quốc trỗi dậy với các lợi ích an ninh thực chất, thì cũng rất quan trọng để lãnh đạo Trung Quốc hiểu các quốc gia trong khu vực sẽ chống lại sự áp đặt của “Học thuyết Monroe kiểu Trung Quốc”. Trong bối cảnh này, đáng ngạc nhiên là các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, có lẽ bị lóa mắt bởi sự phát triển quyền lực tổng thể đầy ấn tượng của nước này, đã không nhận ra chính sách đối đấu của họ trong những năm qua đã kích hoạt một phản ứng châu Á, không chỉ ngăn cản rất lớn sự phát triển quyền lực quan hệ (relational power) của Trung Quốc, mà còn thành cơ hội để Mỹ gia tăng quyền lực quan hệ của họ.

Theo đó, Mỹ đang tận dụng chính sách xác quyết của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông để duy trì vị thế mạnh mẽ trong khu vực – một thực tế cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc nên quan tâm hơn tới việc giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao.

{keywords}

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tên lửa Trung Quốc trên đảo Phú Lâm - Ảnh: Fox News

“Cách tiếp cận Spitsbergen” (phán quyết chủ quyền trên hầu hết các lãnh thổ tại Biển Đông cho các bên tranh chấp không phải cường quốc, phi quân sự hóa hoàn toàn, không phân biệt đối xử trong quyền tiếp cận, bao gồm cả khai thác và nghiên cứu) có thể giúp tháo gỡ căng thẳng khu vực giữa các bên tranh chấp, giải tỏa tác động tiêu cực do cạnh tranh cường quốc đối với các tiểu cường và trung cường trong khu vực, đồng thời thúc đẩy tiến trình chính trị và kinh tế chung.

Tuy nhiên, để điều này xảy ra, sự “lãng mạn hóa” chính trị - lịch sử của các quần đảo và các lãnh thổ phải được giảm bớt giữa các quốc gia tranh chấp. Đồng thời, Trung Quốc có lẽ cũng chỉ có thể bị thuyết phục rút khỏi các lãnh thổ đã chiếm được nếu họ giành được một số cam kết an ninh giúp giải tỏa cảm giác bất an trong việc đối đầu với Mỹ. Trong khi điều này khiến việc áp dụng “Cách tiếp cận Spitsbergen” khó khăn hơn, nó không loại trừ việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

Vượt qua thế lưỡng nan an ninh và xây dựng một cộng đồng an ninh đã được chứng minh là thiết yếu cho sự phát triển kinh tế châu Âu và ổn định khu vực. Tôi cho rằng “Cách tiếp cận Spitsbergen” có thể được xem là một khuôn mẫu để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao thích ứng trước những diễn tiến tại các vùng biển bất an nhất của châu Á.

Liệu liên minh EU và các nước thành viên châu Âu có thể đóng vai trò gì trong môi trường châu Á Thái Bình Dương đầy động lực kinh tế, nhưng luôn bị đe dọa bởi những tranh chấp lãnh hải-lãnh thổ vẫn chưa giải quyết?  

Tất cả những nỗ lực và khả năng đối ngoại của EU vẫn còn khá hạn chế và có thể sẽ tiếp tục như vậy, bất chấp việc các quốc gia Châu Âu có lợi ích kinh tế và an ninh rất lớn tại Châu Á-Thái Bình Dương. Rõ ràng là tình trạng kinh tế của Châu Âu phụ thuộc phần lớn vào quan hệ thương mại tốt đẹp với Châu Á - Thái Bình Dương, do đó rất cần sự ổn định chính trị ở đây.

Có một vài lý do cho sự thiếu khả năng này của Châu Âu. Đầu tiên, các quốc gia Châu Âu phần lớn muốn giữ một chính sách đối ngoại độc lập (mặc dù liên kết với nhau), một trong những quyền cơ bản của mỗi quốc gia dân tộc có chủ quyền. Thứ hai, do lịch sử lâu dài và những con đường phát triển khác nhau, các nước Châu Âu thường có những mục tiêu khác nhau khi đồng thuận một vấn đề mang tính quốc tế. Trong quá khứ, các nước thành viên EU đã rất khó khăn trong việc thông qua những vấn đề quan trọng như chiến tranh chống Iraq, sự can thiệp Libya, chính sách đối với Nga, khủng hoàng Syria, chiến đấu chống nhà nước Hồi giáo,…

Tuy nhiên, bất chấp những yếu tố này, dường như có chỗ cho một vai trò quan trọng của EU trong việc giải quyết tranh chấp khu vực: Với chương trình nghị sự giới hạn của nó trong quyền lực chính trị to lớn của Châu Á, Châu Âu có thể phục vụ với tư cách một nhà “môi giới trung thực” về ngoại giao trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia khu vực.

Như vậy, việc EU không phải là một phần của sự cạnh tranh quyền lực rất lớn của khu vực, những điểm yếu tương đối nội bộ và những mâu thuẫn nội khối, lại có thể mang lại sức mạnh, khiến EU trở nên hấp dẫn với các quốc gia khu vực để nhìn nhận EU như một bên thứ ba độc lập trong giải quyết các tranh chấp khu vực, ví dụ như, thông qua “cách tiếp cận Spitsbergen”.

Công Tâm thực hiện

XEM THÊM: