Tình trạng bất ổn hiện đã lan rộng khắp nước Pháp, bao gồm cả ở các thành phố như Marseille, Lyon, Toulouse, Strasbourg, Lille và thủ đô Paris, nơi Nahel M., chàng trai 17 tuổi gốc Algeria và Maroc bị một cảnh sát bắn tử vong ở vùng ngoại ô Nanterre hôm 27/6.

Những người biểu tình đốt phá trên đường phố ở vùng ngoại ô Montreuil của Paris ngày 30/6. Ảnh: Reuters  

Theo Reuters, video ghi lại cái chết của Nahel đã làm sống dậy những lời chỉ trích lâu nay của các cộng đồng thành thị nghèo về bạo lực và nạn phân biệt chủng tộc của cảnh sát. Ở nhiều thành phố lớn đã xảy ra tình trạng những người biểu tình quá khích đập phá và cướp bóc các cửa hàng.

Tại Marseille, thành phố miền nam lớn thứ 2 của Pháp, nhà chức trách đã áp lệnh cấm biểu tình bên trong đô thị, đồng thời khuyến khích các nhà hàng đóng cửa sớm khu vực phục vụ ngoài trời. Các phương tiện giao thông công cộng sẽ dừng hoạt động lúc 19h tối.

“Những giờ tới đây sẽ mang tính quyết định. Tôi biết mình có thể tin tưởng vào những nỗ lực tuyệt vời của các bạn", Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin hôm 30/6 viết cho lực lượng cảnh sát và các nhân viên cứu hỏa đang tham gia nỗ lực dập tắt bất ổn bùng phát sau khi màn đêm buông xuống.

Ông Darmanin đã yêu cầu các quan chức địa phương dừng hoạt động của các xe buýt và xe điện từ 21h khắp nước Pháp và điều động 45.000 nhân viên an ninh xuống đường lập lại trật tự vào tối cùng ngày.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ thông tin thêm, chỉ tính riêng đêm 29/6, hơn 200 cảnh sát đã bị thương trong các vụ đụng độ với người biểu tình. Hơn 900 người gây rối quá khích đã bị bắt, với độ tuổi trung bình của họ là 17 tuổi.

Trả lời phỏng vấn của chương trình tin tức TF1 về việc liệu chính phủ có thể ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp hay không, ông Darmanin không loại trừ khả năng này. Tất cả hiện phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron.

Ông Macron đã rời một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ sớm hơn dự kiến để dự cuộc họp xử lý khủng hoảng thứ hai của Nội các Pháp trong 2 ngày. Tổng thống Pháp cũng yêu cầu các mạng xã hội như Facbook, Twitter, Snapchat hay TikTok xóa những đoạn video "nhạy cảm nhất" về bạo loạn và tiết lộ danh tính của những người dùng kích động bạo lực.

>>> Đọc tin thế giới mới nhất trên báo VietNamNet