Hacker Trung Quốc tấn công 8 nhà mạng Mỹ

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Anne Neuberger cho biết, nhóm hacker Trung Quốc có tên Salt Typhoon, đã xâm nhập vào các công ty viễn thông ở nhiều quốc gia, trong đó có 8 nhà mạng của Mỹ.

cutgggg 52565.jpg
Mỹ cáo buộc nhóm tin tặc Salt Typhoon là thủ phạm tấn công mạng viễn thông các nước khu vực Đông Nam Á. Ảnh: ToI

Cũng tại buổi họp báo ngày 4/12, đại diện Nhà Trắng nói rằng, những cuộc tấn công này “có thể đã kéo dài từ một đến hai năm”, song ở thời điểm hiện tại, họ không tìm thấy bằng chứng cho thấy các thông tin mật chính phủ Mỹ bị xâm phạm.

Các quan chức CISA và FBI (Cục Điều tra liên bang) đã khuyến nghị người dân Mỹ chuyển sang các ứng dụng nhắn tin được mã hóa để giảm thiểu khả năng tin tặc nắm bắt thông tin liên lạc.

Theo BleepingComputer, nhóm tin tặc này, còn có các tên gọi như FamousSparrow, Earth Estries, Ghost Emperor và UNC2286, đã xâm phạm các thực thể nhà nước và công ty viễn thông trên khắp Đông Nam Á, sớm nhất kể từ năm 2019.

Chính phủ Mỹ đã tổ chức cuộc họp kín có sự tham gia của FBI, cơ quan tình báo quốc gia, ủy ban truyền thông liên bang, hội đồng an ninh quốc gia và CISA về vấn đề này.

Ngoài ra, một tiểu ban tại Thượng viện của Quốc hội Mỹ dự kiến cũng tổ chức phiên điều trần liên quan nhóm hacker Salt Typhoon vào ngày 11/12 tới đây.

CISA và FBI đã xác nhận vụ tấn công vào cuối tháng 10, sau các báo cáo rằng, Salt Typhoon đã xâm phạm mạng lưới của nhiều công ty viễn thông, bao gồm T-Mobile, Verizon, AT&T và Lumen Technologies.

Phía Trung Quốc gọi các cáo buộc là thông tin sai lệch và khẳng định Bắc Kinh "kiên quyết phản đối và chống lại các cuộc tấn công mạng và trộm cắp mạng dưới mọi hình thức".

Bitcoin phá mốc lịch sử 100.000 USD

Ngày 5/12, giá Bitcoin tăng vọt và vượt mốc 100.000 USD lần đầu tiên trong lịch sử. Thị trường tiền số nói chung đã tăng hơn 1.000 tỷ USD kể từ sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11.

bitcoin crypto news 49993.png
Bitcoin phá mốc 100.000 USD nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Ảnh: Cryptonews

Chỉ vài tiếng trước đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo kế hoạch bổ nhiệm Paul Atkins làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).

Động thái được cộng đồng tiền mã hóa xem là ông Trump duy trì cam kết không chỉ thay thế Chủ tịch SEC Gary Gensler mà còn thiết lập môi trường pháp lý thân thiện hơn.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jerome Powell gọi Bitcoin "cũng là vàng nhưng dưới hình thức kỹ thuật số" tại hội thảo DealBook. Ông cho rằng, nó không cạnh tranh với đồng USD mà cạnh tranh với vàng.

Trước đó, ông Gensler tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 20/1/2025, ngày Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Nhiệm kỳ của ông Gensler chứa đầy những hành động pháp lý nhằm kiềm chế cộng đồng tiền số, trái ngược với lập trường của ông Trump.

Theo truyền thông, đội ngũ chuyển giao của ông Trump đã bắt đầu thảo luận về việc có mở ra vị trí mới trong Nhà Trắng chuyên trách chính sách tài sản kỹ thuật số không.

Ngành công nghiệp này đang vận động để có được một chân trong chính quyền Mỹ và quan hệ trực tiếp với tổng thống. Vị trí sẽ trao tầm ảnh hưởng vô tiền khoáng hậu cho ngành đối với những quy định quản lý nó.

Những cuộc thảo luận như vậy là động lực mới nhất thúc đẩy cơn sốt tiền mã hóa. Theo nhà phân tích Tony Sycamore, nhu cầu đối với Bitcoin dường như “vô độ” và cầu đang vượt cung.

Tổng thống Mỹ áp lệnh cấm mới với bán dẫn Trung Quốc

Mỹ vừa công bố các hạn chế mới nhất trong chuyển giao chip bán dẫn sang Trung Quốc trước khi Tổng thống Joe Biden rời Nhà Trắng.

xw1164gd 52786.png
Mỹ cấm bán chip HBM sang Trung Quốc nếu không có giấy phép của Bộ Thương mại. Ảnh: Shutterstock

Đây là nỗ lực thứ tư trong ba năm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tối tân.

Mỹ cấm bán chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) dùng trong các ứng dụng AI và thu hẹp các bộ công cụ sản xuất chip được bán sang đại lục. Bộ Thương mại Mỹ cũng bổ sung 140 doanh nghiệp và pháp nhân Trung Quốc vào danh sách đen.

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng quãng nghỉ nhiều tháng từ lúc phác thảo quy định đến khi công bố đã giúp các thực thể Trung Quốc tích trữ bán dẫn và máy móc.

Các lệnh cấm trước đây của Mỹ đối với công nghệ bán dẫn khiến Trung Quốc phải “đi vòng” để có thể sở hữu những con chip và năng lực tính toán cần thiết. Họ vẫn có thể mua một số chip và thiết bị từ Mỹ và các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan một cách hợp pháp.

Theo các quan chức Mỹ, các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn khả năng của Trung Quốc trong sản xuất công nghệ vũ khí và AI quan trọng. Bộ trưởng thương mại Gina Raimondo gọi các quy định mới là “mang tính đột phá và sâu rộng”.