- Đề án quốc gia về chương trình đào tạo thạc sĩ tiên tiến quản trị hành chính công chuẩn quốc tế do ĐHQG TP.HCM với mức chi phí ban đầu để triển khai là 20 tỷ đồng là sự kiện hút sự quan tâm. Ngoài ra, tin giáo dục được các báo đăng tải ngày 4/5 còn có những nội dung gây chú ý khác như Hiệu trưởng trường mầm non bị tố nhiều sai phạm; hệ lụy của việc chạy trường...
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Hiệu trưởng tham ô, vỡ mộng kinh doanh giáo dục
Giáo dục 28/4: Thông và chưa thông
Học trò đi kiện, trường kêu cứu
Học sinh thắt cổ, học viên tố thầy
Ông Nguyễn Văn Khang, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đóng góp ý kiến trong buổi làm việc - Ảnh: Tuổi trẻ |
Ra trường làm lãnh đạo ngay
Báo Tuổi Trẻ cho hay, chiều 3/5, ĐHQG TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ để giới thiệu các đề án đào tạo nhân lực mới nhất của đại học này.
Đó là đề án quốc gia về chương trình đào tạo thạc sĩ tiên tiến quản trị hành chính công chuẩn quốc tế với mức đầu tư ban đầu triển khai là 20 tỉ đồng.Báo dẫn lời một lãnh đạo ĐHQG TP.HCM, dự kiến tháng 10/2012 sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên cho chương trình này. Chi phí ban đầu để triển khai đề án này là 20 tỉ đồng. Trong đó sẽ xây dựng trung tâm học liệu chuyên đề về các vấn đề liên quan đến nội dung đào tạo phục vụ học viên. Chi phí đào tạo của các học viên do địa phương hỗ trợ khoảng 80 triệu đồng/học viên/năm, chưa tính chi phí thực tập trong thời gian sáu tháng ở nước ngoài.
Loạn phiên âm: Giới ngôn ngữ học bức xúc
Là tiêu đề của bài báo đăng trên Thanh Niên sáng nay. PGS-TS Vũ Kim Bảng – Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ cho rằng, không nên phiên âm tên riêng của chữ Latin sang Tiếng Việt, đặc biệt trong sách giáo khoa.
“Không riêng ở SGK mà ở cả báo chí, từ có nguồn gốc từ nước ngoài dùng trong tiếng Việt chưa có một chuẩn mực nào về cả chính tả lẫn phát âm... Sử dụng một biện pháp nhất quán, cứng nhắc trong vấn đề này là không được mà phải có giải phát linh hoạt hơn...”, ông Bảng nêu ý kiến.
Hiệu trưởng Mầm non bị tố nhiều sai phạm
Báo Giáo dục Việt Nam cho hay, bà Vũ Hiền Lương và bà Lê Thị Toan (giáo viên trường mầm non Sao Mai – Kim Động – Hưng Yên) đã gửi đơn tới một đô cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Kim Động để tố cáo nguyên hiệu trưởng của mình.
Trường Mầm non Song Mai - nơi có nhiều tiêu cực liên quan tới bà Đào Thị Lan Anh (nguồn: Giáo dục Việt Nam) |
Theo kết luận xác minh số 80 ngày 9/5/2011, nội dung đơn đề nghị của giáo viên trường Mầm non Song Mai (bà Lương và bà Toan) về những sai phạm của bà Đào Thị Lan Anh – giáo viên, nguyên hiệu trưởng trường Mầm non Song Mai cho thấy, bà Lan từ khi làm Hiệu trưởng đã liên tiếp mắc nhiều sai phạm: Thực hiện sai quy chế công khai trong nhà trường; Tự ý để giáo viên trường nhận phụ cấp hàng tháng của Nhà nước mặc dù giáo viên này đã xin nghỉ làm và không ký hợp đồng lao động với nhà trường; Dồn học sinh các lớp lại giao cho 1 số giáo viên trông, những giáo viên còn lại có nhiệm vụ... giúp xây nhà cho hiệu trưởng; Có nhiều hành vi ứng xử, ngôn ngữ không mang chuẩn mực trong trường.
“Chạy trường” và hệ lụy
Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài cảnh báo về hệ lụy của việc “chạy trường”. Nhiều nạn nhân của tình trạng trên đã phải “ôm” bảng điểm gần chạm đáy chỉ vì học trong môi trường không phù hợp với sức lực của mình. Vì muốn con học trường có tiếng, nhiều phụ huynh đã gây áp lực cho con, vô tình khiến lực học của các em ngày càng sụt giảm vì không “gánh nổi” mong muốn của cha mẹ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc sở GD-ĐT TPHCM cho biết “Trên thực tế, bất cứ giải pháp tuyển sinh nào cũng sẽ bị phụ huynh “lách” và “chạy”. Từ việc chạy hộ khẩu đến chạy mối quan hệ. Chính vì thế, giải pháp hiệu quả nhất là công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu và thông cảm tới nhà trường”.
Vấn nạn sống thử ở sinh viên
Vấn đề sống thử ở bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên được VTC Newsđề cập trong sáng nay. Theo Theo nghiên cứu mới đây thì hơn 90% các cặp sống thử đều đổ vỡ, nếu có kết hôn chỉ là gượng ép do gia đình bắt cưới.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc sống thử không thành có thể dẫn tới vết thương lòng sâu sắc, mất đi sự trong sáng và lãng mạn của tuổi trẻ. Đặc biệt, nhiều nữ giới đã mắc phải bệnh trầm cảm trong một thời gian dài vì lo lắng chuyện có nên nói thật với “người mới” về quá khứ sống thử của mình, hay tư cách dạy con của mình liệu có còn không nếu mọi chuyện bị phát hiện.
“Với sinh viên, chưa va vấp nhiều với cuộc sống thì tìm hiểu kỹ đối tượng về tính cách, sở thích, lối sống, nguồn gốc gia đình là một việc nên làm. Khi đã hiểu rõ về nhau thì không việc gì phải sống thử nữa, các bạn có thể sống thật luôn”, nhà tâm lý Lê Thị Túy nêu ý kiến.
Chế tài cho trường hợp “nghiện” quay clip sốc
Trao đổi với Kiến Thức, luật sư Đỗ Ngọc Oánh cho hay, nhận thức pháp luật của một bộ phận giới trẻ còn hạn chế, việc đánh bạn, tung clip “sốc” lên mạng làm trò mua vui là báo động về sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh những hành vi ngông cuồng này.
Chế tài nào cho việc "nghiện" quay clip sốc? (Ảnh có tính chất minh họa) |
Hơn 1.300 tỷ đồng thực hiện phổ cập giáo dục mầm non
Hà Nội mới đưa tin, tổng kinh phí đầu tư thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi là hơn 1.300 tỷ đồng. Trong đó 556 tỷ là để phục vụ chi thường xuyên; hơn 308 tỷ đầu tư cho xây dựng cơ bản; 93 tỷ là số tiền huy động được từ nguồn xã hội hóa.
Tuy các địa phương đã xây dựng kiên cố được gần 26 nghìn phòng học và gần 85 nghìn phòng chức năng nhưng tính đến hết học kỳ I (2011 – 2012), cả nước vẫn thiếu hơn 23 nghìn phòng học và gần 156 phòng chức năng phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi.
Nữ sinh chết từng ngày vì thuốc diệt cỏ
Thông tin của báo điện tử Kiến Thức, do mâu thuẫn gia đình, Nguyễn Thị Thu Th (Sinh viên năm 2, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng) đã uống nửa lọ thuốc diệt cỏ Paraquat để tự tử. Hơn 1 tiếng sau, bạn cùng phòng Th phát hiện nhưng đã quá muộn. Dù được đưa đến bệnh viện trong tình trạng vẫn còn tỉnh táo, nhưng vì độc dược của thuốc Paraquat rất nặng nên Th sẽ lặng lẽ “ra đi” khi đã bị độc tố giết chết từng bộ phận.
Theo bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, mỗi năm bệnh viện cấp cứ hàng chục ca tự tử từ việc uống thuốc trừ cỏ. Bệnh nhân phần lớn là nữ, có độ tuổi từ 15 – 40, những trường hợp này đều không thể cứu sống.
- Minh Hiền (tổng hợp)