Sáng nay (15/6), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 63 tỉnh, thành.

Chia sẻ tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục A05, Bộ Công An, cho hay qua rà soát những hội nhóm liên quan đến việc mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị liên lạc ngụy trang có thể sử dụng để gian lận trong thi cử, Bộ Công an nhận thấy, đối tượng mua bán các thiết bị này chủ yếu là phụ huynh và học sinh.

Vì thế, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ và xử lý theo pháp luật đối với những đối tượng này.

Thiếu tướng Mạnh cho hay những phương thức, thủ đoạn gian lận thi cử không mới, chủ yếu vẫn sử dụng tai nghe thu nhỏ, thiết bị ngụy trang nhằm thu phát sóng, liên lạc như đồng hồ, khuy áo, khuyên tai, máy tính… sau đó truyền thông tin, hình ảnh ra ngoài nhằm mục đích tìm kiếm sự hỗ trợ, giải đề thi.

Tuy nhiên, tình hình gian lận ngày càng tinh vi khi các đối tượng tự mua lẻ các thiết bị trên thị trường để tích hợp lại.

“Hiện nay, trên không gian mạng còn rất nhiều trang rao bán các thiết bị này. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục rà soát để xử lý”, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh nói.

Bộ Công an nhận thấy, đối tượng mua thiết bị gian lận thi cử chủ yếu là phụ huynh, học sinh. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, qua kiểm tra, rà soát một số điểm thi, đại diện Bộ Công an cho biết vẫn còn một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thi. Cụ thể, tại nơi bảo quản đề thi tại một số điểm, các thiết bị vẫn còn kết nối wifi hoặc có bộ thu phát wifi. Hệ thống camera tại một số điểm vẫn còn kết nối internet ra ngoài…

“Do đó, các điểm thi cần phải ngắt kết nối tất cả hoặc tháo gỡ các bộ kết nối này. Các buồng thi, phòng thi cũng cần niêm phong các đầu mạng, vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống camera”, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh nói.

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi, hiện Bộ Công an cũng đang rà soát thông tin trên mạng, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến kỳ thi trong các hội nhóm liên quan đến thi cử có đông học sinh, sinh viên và phụ huynh.

Lo giám thị khó phát hiện thiết bị gian lận

Tại hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, bày tỏ băn khoăn về quy định những vật dụng thiết yếu đảm bảo sức khỏe cho thí sinh.

“Ví dụ như máy trợ thính là thiết bị truyền, nhận thông tin có được phép mang vào phòng thi hay không? Nếu có, cách thức kiểm soát như thế nào bởi đây cũng có thể là những nguồn dễ phát sinh gian lận thi cử”.

Ngoài ra, ông Cương cũng cho rằng, việc không quy định danh mục các loại máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi có thể gây khó khăn cho cán bộ coi thi vì năng lực của các cán bộ coi thi không đủ để kiểm tra, kiểm soát được các thiết bị công nghệ cao. Điều này cũng dễ tạo điều kiện cho thí sinh lợi dụng để gian lận.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã tham mưu các bên và quyết định không ban hành danh mục các loại máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi vì các thiết bị này biến động liên tục nên rất khó để đưa ra một danh mục cụ thể.

Bên cạnh đó, học sinh phổ thông đủ nhận thức để nắm được đâu là loại máy đủ điều kiện tiêu chuẩn để mang vào. Do vậy, Bộ GD-ĐT năm nay không đưa ra hướng dẫn cụ thể về mục này.

Thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho biết, năm nay, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi.

Trong đó, thí sinh tự do: 37.841 chiếm 3,69% tổng số thí sinh; thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 47.769 chiếm 4,66%; thí sinh chỉ xét tuyển sinh ĐH: 34.155 chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh: 943.340 chiếm 92,91% tổng số thí sinh.

Có 323.187 thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (31,52%); 566.921 thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học xã hội (chiếm 55,30%).

Số điểm thi trên toàn quốc là 2.273; tổng số phòng thi là 44.661.