- Ngành Giáo dục, đặc biệt là phòng GD-ĐT không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND quận, huyện tuyển dụng nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên.
Trước thềm năm học mới 2018-2019, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và câu chuyện thừa/thiếu giáo viên.
- Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết thực trạng thừa/thiếu giáo viên hiện nay ở các địa phương?
Từ năm 2012, sau khi Luật Viên chức có hiệu lực, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, trong đó có vấn đề về tuyển dụng, sử dụng viên chức. Theo đó, việc tuyển dụng giáo viên các cấp học thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2012/NG-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Các địa phương đã thực hiện việc tuyển dụng đảm bảo số lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, do thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành Giáo dục (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ, việc phân công đầu mối phụ trách công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của các địa phương còn nhiều bất cập.
Ngành Giáo dục (đặc biệt là phòng GD-ĐT) không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND huyện tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học dẫn đến tình trạng thừa/thiếu giáo viên giữa các cấp học trong cùng 1 địa phương.
Tính đến thời điểm tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS, đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương, mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS; và thiếu 3161 giáo viên THPT. Đặc biệt là một số nơi đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội, điển hình như vụ việc hợp đồng lao động đối với giáo viên ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk và một số địa phương khác mà báo chí đã nêu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Thanh Hùng. |
- Xin ông cho biết nguyên nhân của việc thừa/thiếu giáo viên mầm non, phổ thông hiện nay?
Việc thừa/thiếu giáo viên xảy ra ở một số địa phương hiện nay là do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Việc biến động về quy mô trường/lớp do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực nhất định.
Đối với mầm non, việc huy động trẻ ra lớp tăng cao, tốc độ nhanh do nhu cầu, cũng như việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chế), trong khi đó số lượng giáo viên tuyển ở các cấp trên (đặc biệt là THCS và THPT) có xu hướng thừa so với nhu cầu, do đó không còn biên chế cho cấp học mầm non.
Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên.
Việc phân cấp trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp cũng chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ dẫn đến những bất cập hiện nay.
- Đối với những địa phương còn tình trạng thừa/thiếu và hợp đồng giáo viên không đúng quy định, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên do tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh, Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp gì để khắc phục?
Trước vấn đề thừa/thiếu cục bộ giáo viên, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên do tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh đang xảy ra ở một số địa phương, Bộ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ, những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức để thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên. Cùng đó, ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.
Để khắc phục tình trạng còn một lượng lớn giáo viên mầm non, phổ thông đang hợp đồng lao động và tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhất là việc một số địa phương có tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh do phát triển các khu công nghiệp, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Thủ tướng đã chỉ đạo và giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số cơ học. Theo đó, Bộ Nội vụ đã họp bàn với Bộ GD-ĐT thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng đó, rà soát, tổng hợp về dân số, số học sinh trên địa bàn từ năm 2015 đến nay nhằm làm rõ việc tăng, giảm về dân số và học sinh tại các cấp học, bậc học, trong đó tập trung làm rõ việc tăng, giảm học sinh cơ học tại các cấp học, bậc học ở các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị. Trên cơ sở đó tổng hợp nhu cầu về giáo viên cần tăng thêm của tỉnh sau khi đã thực hiện tự điều chỉnh, cân đối trong tổng số người làm việc được giao của địa phương nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu để 2 Bộ thống nhất phương án trình Thủ tướng xem xét, quyết định để giải quyết những khó khăn, bất cập của các phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.
- Ông có thể cho biết việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên của ngành giáo dục trước thềm năm học mới 2018-2019 như thế nào?
Năm học 2018-2019 tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp của ngành giáo dục đã đề ra; đồng thời là năm học mà toàn ngành đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020.
Bộ GD-ĐT luôn luôn xác định và đề cao vai trò có tính chất “then chốt ” của đội ngũ giáo viên – nhân tố quyết định đến kết quả và sự thành công trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm học cũng như công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ngay từ học kỳ II của năm học 2017-2018, Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có cho năm học 2018-2019. Đồng thời, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm sát với nhu cầu sử dụng. Đến thời điểm này, theo chỉ đạo của Bộ, các địa phương đang thực hiện việc tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ và tổ chức các khóa bồi dưỡng hè về chính trị, phương pháp, nghiệp vụ dạy học cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các cấp; tiếp tục thực hiện các chính sách và làm tốt việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng đối với đội ngũ. Bắt đầu từ năm học này, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo các chuẩn/tiêu chuẩn mới được ban hành thay thế cho các chuẩn trước đây nhằm có được bức tranh tổng thể về chất lượng đội ngũ. Từ đó có những chỉ đạo và kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ.
- Năm học 2018-2019 là năm học rất quan trọng đối với ngành Giáo dục trong việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình, SGK mới theo lộ trình, bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2010 đối với lớp 1, ông có thể cho biết những động thái của Bộ GD-ĐT?
Đúng là như vậy, năm học 2018-2019 là năm học mà toàn ngành Giáo dục bước đầu phải hoàn tất các khâu chuẩn bị cho quá trình thực hiện chương trình, SGK mới, đặc biệt là lớp 1. Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị giáo viên đủ về số lượng và cơ cấu môn học, Bộ đã và đang triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mà Thủ tướng đã phê duyệt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Bộ đang triển khai thực hiện quy hoạch, sắp xếp hệ thống các trường sư phạm; đổi mới và xây dựng mới 50 chương trình đào tạo; thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu sử dụng theo đề xuất của UBND các tỉnh/TP. Công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đã được chuẩn bị chu đáo. Cụ thể:
Bồi dưỡng giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Chương trình môn học theo từng cấp học được thực hiện cùng với lộ trình thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông. Việc bồi dưỡng sẽ được thực hện thông qua hình thức trực tuyến.
Bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về sách giáo khoa mới (nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn sử dụng có trách nhiệm phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tập huấn cho giáo viên theo sách giáo khoa đã được phê duyệt cho phép sử dụng và được nhà xuất bản phát hành).
Bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ 360 giảng viên sư phạm chủ chốt, 28.000 giáo viên và 4.000 CBQLPT cốt cán và tất cả cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên phạm vi cả nước.
Bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về một số năng lực cốt lõi để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới: năng lực dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát triển chương trình nhà trường,...vv. Các nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán phổ thông từ năm 2014, các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động cập nhật, bổ sung nội dung bồi dưỡng và phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo để bồi dưỡng cho giáo viên đối với những địa phương có nhu cầu.
Thời gian thực hiện các hoạt động đào tạo bắt đầu từ năm 2018 đến năm 2023 theo niên chế năm học; các hoạt động bồi dưỡng từ năm 2018 đến 2023 vào thời điểm tháng 7, tháng 8 hàng năm. Cụ thể, năm 2019 bồi dưỡng lớp 1; năm 2020 bồi dưỡng lớp 2, 6; năm 2021 bồi dưỡng lớp 3,7,10; năm 2022 bồi dưỡng lớp 4, 8 11; năm 2023 bồi dưỡng lớp 5, 9, 12.
Thanh Hùng (ghi)
TP.HCM: Cần 79.000 giáo viên để dạy gần 1,7 triệu học sinh
Năm học 2018-2019 TP.HCM có 1.677.071 học sinh, tăng 67.242 em so với năm trước. Với số học sinh khổng lồ thành phố này, cần 79.082 giáo viên để đảm đương việc dạy học.
Lai Châu thiếu 547 giáo viên, nhiều nhất là tiếng Anh
Lai Châu đang thiếu 547 giáo viên ở cả 3 cấp học, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy Tiếng Anh.
Hiệu trưởng các trường phổ thông ở TP.HCM sẽ tự tuyển giáo viên
Sau năm 2020 hiệu trưởng tất cả các trường THPT ở TP.HCM sẽ tự tuyển giáo viên.Từ nay tới năm 2020 Sở tiếp tục phân cấp đối các trường chuyên, năng khiếu và 24 trường phổ thông tự tuyển dụng giáo viên.
Hà Nội dự tính tăng giáo viên cho lớp học đông sĩ số
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, với những lớp sĩ số học sinh quá cao, sẽ bố trí tăng thêm giáo viên quản lý, không để tình trạng 1 giáo viên phụ trách tới 60 em như tại một số trường.
Hơn 130 giáo viên THCS bị điều chuyển dạy tiểu học
Hơn 130 giáo viên cấp 2 ở huyện Diễn Châu, Nghệ An vừa bị điều chuyển xuống dạy tiểu học trong năm học 2018-2019.
Cà Mau sẽ cắt hợp đồng với giáo viên không đạt chuẩn
Đối với bậc học từ mầm non đến THCS do các địa phương quản lý, đang thừa hơn 670 giáo viên so với biên chế được giao.
Sẽ ưu tiên biên chế để tuyển giáo viên mầm non hoặc dạy môn học mới
Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ đôn đốc thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục trong thời gian tới. Theo đó, sẽ ưu tiên biên chế để tuyển giáo viên mầm non, giáo viên dạy môn học mới
Hà Tĩnh tuyển dụng hơn 400 giáo viên tiểu học và mầm non năm 2018
Chủ tịch UBND tỉnh Hà vừa ký văn bản đồng ý chủ trương để các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc tuyển dụng 410 giáo viên mầm non, tiểu học.