Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Tài chính ngày 19/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022, bức tranh tài chính có nhiều điểm sáng dù trong nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian gần đây, vị thế của đất nước ta ngày càng được nâng lên. Những kết quả đó là rất đáng trân trọng.
“Trong kết quả chung đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài chính. Tôi đặc biệt biểu dương, ghi nhận nỗ lực và đánh giá cao kết quả của ngành Tài chính trong năm 2022” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, ngành Tài chính đã đi trước, đi sớm trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, thời gian tới cần tiếp tục chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn, để giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, trong năm 2023 sẽ còn rất nhiều khó khăn. Thách thức, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính là rất nặng nề. Do đó, Bộ Tài chính cần chủ động, tích cực, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trên cơ sở chức năng quản lý để chủ động vào cuộc. Bộ Tài chính cần tham mưu, tiếp tục nghiên cứu giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp.
“Phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp như việc của mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, quay trở lại doanh nghiệp có đóng góp cho ngân sách, từ đó mới có nguồn thu bền vững”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi gắm tới Bộ Tài chính 16 chữ. Đó là: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”.
Trong thực thi nhiệm vụ, Bộ Tài chính phải nắm chắc tình hình để kiên định các chủ trương, đường lối nhưng trong điều hành phải linh hoạt, tránh giật cục.
“Phải luôn đổi mới sáng tạo, khơi gợi nguồn lực từ tư duy, động lực từ đổi mới, sức mạnh từ nhân dân. Lấy đổi mới sáng tạo để thực thi nhiệm vụ. Phải tự tin, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 1,69 triệu tỷ đồng, vượt dự toán hơn 19% và vượt so với cùng kỳ năm 2021 hơn 18%. Số thu này trong bối cảnh thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trị giá khoảng 233 nghìn tỷ đồng là thắng lợi to lớn của ngành Tài chính.
Còn chi ngân sách, đến ngày 15/12, con số này ước đạt xấp xỉ 1,45 triệu tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán.
Ngành Tài chính cũng đã rất nỗ lực chuyển đổi số. Vừa qua, cơ quan thuế đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử. Đến nay, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã sử dụng hóa đơn điện tử; 2,1 tỷ hóa đơn điện tử đã được phát hành, tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát hoàn thuế, chống gian lận, trốn thuế và buôn lậu.
Cơ quan thuế cũng đã thực hiện chương trình “Hóa đơn may mắn”; kết nối dữ liệu điện tử với Bộ Công an để lấy số chứng minh thư làm mã số thuế để thực hiện mã số thuế cá nhân.
Cùng với đó, đã triển khai Cổng thanh toán điện tử dành riêng cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện quyền kê khai, nộp thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Đến nay, có 42 nhà cung cấp nước ngoài lớn trên khắp thế giới đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài với tổng số thuế đã kê khai, nộp thuế là 3.444 tỷ đồng.