Chiều ngày 17/12, Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn. (Ảnh: BTC)

Tăng trưởng GDP năm 2022 cao trên 8%

Phát biểu tại phiên toàn thể, ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Năm 2022, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có. 

Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái...

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: BTC)

Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... Tuy nhiên tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

"Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu", ông Trần Tuấn Anh đánh giá.

Ông Andrew Jeffries Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam chia sẻ: Hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực giúp tăng trưởng Việt Nam tăng 8,8% trong 3 quý đầu của năm 2022. Sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi và giá xuất khẩu tăng, giúp thặng dư thương mại 10,6 tỷ USD trong 11 tháng năm 2022. Giải ngân FDI tăng 7,8%, ước đạt 7,7 tỷ USD là mức giải ngân cao nhất trong 5 năm…

Từ những tín hiệu đó, ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên 7,5%, thậm chí có thể đạt 8%. 

"Tuy nhiên những cơn gió ngược đang xuất hiện", ông Andrew Jeffries lưu ý. Đó là nhu cầu toàn cầu suy yếu với hàng xuất khẩu của Việt Nam, việc thắt chặt tiền tệ, những bất thường trên thị trường trái phiếu...

Nhận diện các "cơn gió ngược"

Cũng nhắc đến các "cơn gió ngược", ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới chia sẻ: Trung Quốc, Khu vực đồng Euro và Hoa Kỳ đang trải qua thời kỳ suy yếu, làm trầm trọng thêm những "cơn gió ngược" đối với các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển.

Thừa nhận năm 2022 về đích với nhiều chỉ tiêu tích cực, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đưa ra nhiều cảnh báo cho năm 2023.

Đó là dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực...

"Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn", ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nửa đầu Quý IV/2022 hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động việc làm của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới tình hình sản xuất, đầu tư, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực. Lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất. Động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm...

Để biến thách thức thành cơ hội, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng: Ngân hàng Nhà nước có thể gỡ bỏ áp lực tỷ giá hối đoái thông qua tăng mức độ linh hoạt của tỷ giá trong khi kiềm chế lạm phát; tăng cường các khung chính sách giám sát và xử lý nợ để giảm thiểu rủi ro và khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính; thúc đẩy sử dụng hiệu quả các tài sản chính của Việt Nam như vốn sản xuất, vốn con người và vốn tự nhiên.

Những "cơn gió ngược" đó của năm 2023 khiến chuyên gia ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023, từ mức 6,7% xuống 6,3%.

"Với bối cảnh kể trên, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng tới sự cân băng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính", đại diện ADB khuyến nghị và cho rằng Việt Nam nên cảnh giác với lạm phát trong năm 2023.