Ngày 17/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

Kinh tế số đã chiếm 14% GDP

Phiên hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới” do lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT; Bộ KH&CN, Bộ TT&TT đồng chủ trì.  

Các đại biểu chủ trì phiên hội thảo chuyên đề 1. (Ảnh: BTC)

Công nghệ số, kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng mới rất quan trọng. Theo báo cáo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, trong năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam xấp xỉ 30% so với năm 2021 và thuộc nhóm đứng đầu trong khu vực.

Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT cũng đã ban hành bộ chỉ tiêu thống kê, thực hiện thí điểm đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GDP.

Thứ trưởng Dũng cho biết, chủ động đánh giá từ số liệu có được, Bộ TT&TT ước tính tỷ trọng kinh tế số trên GDP của Việt Nam năm 2022 khoảng 14%.

Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Năm 2022, khi Chiến lược được ban hành, toàn bộ hệ thống tập trung triển khai một số nội dung quan trọng. Đầu tiên là vấn đề định danh và xác thực điện tử. Thứ hai, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng đột phá trong 2022. Thứ ba, Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT nỗ lực đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt của doanh nghiệp nhỏ và vừa lên môi trường số bằng các nền tảng số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng (Ảnh:BTC)

Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế số

Dữ liệu số là một trong số yếu tố đầu vào quan trọng bậc nhất của kinh tế số. Dữ liệu số sẽ tạo ra những động lực và giá trị tăng trưởng mới. Vì vậy, Bộ TT&TT xác định năm 2023 là năm dữ liệu số.

"Bộ TT&TT mong nhận được sự đồng hành, chia sẻ góp ý về mặt chính sách và thực thi cũng như giám sát, đôn đốc chỉ tiêu đo lường đánh giá. Để từ đó thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số tốt hơn, tạo được động lực tăng trưởng mới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam nói chung", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu.

Nhìn vào tỷ lệ phần trăm của kinh tế số trên GDP của các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, ông II-Dong Kwon, Tổng giám đốc Boston Consulting Group cho biết: Nền kinh tế số của họ chiếm 25% GDP, thậm chí hơn. Do đó, Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế số.

Chuyển đổi số là xương sống cho nền kinh tế của quốc gia. Các doanh nghiệp có chuyển đổi số và kinh tế số sẽ duy trì được năng suất cao hơn, hiệu quả sản xuất cao hơn và khả năng chống chọi với các cú sốc cao hơn.

Ông II-Dong Kwon góp ý, Việt Nam cần có tầm nhìn rõ ràng, nêu ra được sự cần thiết phối hợp giữa các cơ quan ban ngành và các chủ thể trong xã hội để tạo ra sự nhất quán trong chuyển đổi số. Các quy định và chính sách về chuyển đổi số phải thống nhất với nhau, để không tạo ra kẽ hở hay mâu thuẫn trong việc thực thi.

“Điều quan trọng nhất là phải có chính sách thu hút nhân tài, bởi hiện nay lĩnh vực này đang có sự thiếu hụt về nhân lực chất lượng cao”, ông II-Dong Kwon nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao, với các mục tiêu phát triển cụ thể cho giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mặc dù chịu tác động mạnh và tiêu cực của Đại dịch Covid 19 và trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, phức tạp, nhanh, mạnh và khó lường, Việt Nam vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì được tăng trưởng kinh tế trong các năm 2020, 2021 và 2022.  

Riêng năm 2022, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 7,5-8%/năm. Trong đó, động lực tăng trưởng đến từ hầu hết các ngành từ phía tổng cung và các yếu tố tổng cầu như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đều tiếp tục phục hồi mạnh mẽ… Cùng với tăng trưởng kinh tế là sự cải thiện trong đời sống của người dân và sự ổn định của chính trị và xã hội.

Có thể nói, Việt Nam đã thành công trong thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh Covid 19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Những kết quả này cũng đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.