XEM VIDEO:

Sáng 24/11, sau phần thảo luận của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Luật Đường bộ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có giải trình, làm rõ một số nội dung.

Một số ĐBQH yêu cầu làm rõ sự cần thiết thu phí cao tốc bên cạnh phí đường bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án thu phí trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đồng thời đánh giá tác động trong từng trường hợp thu phí và không thu phí.

241120231120 z4910567051911 2d532c13efe8fa3a74cd7a5808223798.jpg
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình, tiếp thu tại Quốc hội sáng nay.

Các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư có đường quốc lộ song hành cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn. Đi cao tốc có nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện...

Tuy nhiên, hiện nay hình thức thu phí sử dụng đường bộ chưa tách bạch được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc. Vì thế, để đảm bảo sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định thu phí trên tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Theo ông Thắng, quy định này căn cứ trên nguyên tắc của người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến đường song hành.

Về mức thu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sẽ được xác định phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ và đảm bảo hoàn vốn đầu tư của Nhà nước để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như đảm bảo chi phí bảo trì hàng năm.

Bộ trưởng GTVT dẫn chứng một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, cũng đã áp dụng.

Ông Thắng thông tin: “Hiện nay, thu phí qua đầu phương tiện chỉ mới đáp ứng được 35-40% nhu cầu bảo trì. Nếu hệ thống đường cao tốc được đưa vào sử dụng mà chúng ta không thu, một khoản kinh phí rất khổng lồ trong bảo trì sẽ khó khăn”.

Ông nhấn mạnh quy định nội dung này tính tới việc đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh ngân sách còn rất hạn chế.

Về đầu tư xây dựng đường cao tốc, có ĐBQH đề nghị xem xét lại quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô quy hoạch.

Từ thực tiễn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết giải phóng mặt bằng luôn là nội dung phức tạp, là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, chậm tiến độ, đội vốn đầu tư.

W-cao-toc-l224o-cai.jpg
Ảnh: Hoàng Hà

Ngoài ra, chính sách đơn giá bồi thường luôn được điều chỉnh nên nếu chỉ giải phóng mặt bằng với quy mô phân kỳ, địa phương sẽ rất khó quản lý phần diện tích còn lại chưa được giải phóng. “Việc thực hiện giải phóng mặt bằng bổ sung khi được mở rộng theo quy hoạch rất phức tạp, kinh phí sẽ rất lớn so với giải phóng mặt bằng thực hiện một lần”, Bộ trưởng khẳng định.

Rút kinh nghiệm từ những vướng mắc trong thực tiễn, Bộ trưởng GTVT nêu tại Nghị quyết về chủ trương đầu tư một số dự án đường cao tốc, Quốc hội cũng đã quy định việc giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy hoạch. Vì vậy, ông Thắng chia sẻ việc thực hiện giải phóng mặt bằng luôn theo quy mô quy hoạch, vừa là chính sách nhằm phát triển đường cao tốc, vừa là chính sách đã được tổng hợp kinh nghiệm trong thời gian qua.

Có ý kiến ĐBQH nhận định quy định tổ chức cá nhân sử dụng ứng dụng như Grab, Bee...kết nối giữa tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận chuyển với hành khách, giao hàng được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải bằng ô tô là không đúng với bản chất kinh doanh.

Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật quy định ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng ô tô là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, không phải là hoạt động kinh doanh vận tải. 

Chỉ trong trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: Điều hành phương tiện và lái xe, quyết định giá cước vận tải vận chuyển hành khách và hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì mới xác định là kinh doanh vận tải.