Sáng 11/9, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý III/2023 với các sở TT&TT. Tại đây, nhiều khó khăn của sở TT&TT các địa phương đã được “mổ xẻ” trong đó có vấn đề về thiếu hụt nguồn nhân lực số.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, từ thực tế quản lý hiện nay, có hai vấn đề nan giải mà các sở TT&TT đều đang gặp phải. Đó là câu chuyện thiếu người làm và sự lúng túng trong khâu thực thi.
Giúp người dân, doanh nghiệp tự làm là cách giảm tải cho chính mình
Chia sẻ về thực trạng hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, các sở TT&TT hiện vô cùng thiếu người làm. Không chỉ vậy, ngành TT&TT hiện nay có rất nhiều lĩnh vực mới, điều này dẫn đến tình trạng người thực thi cấp cơ sở chưa rõ được nội hàm, và vì vậy chưa biết làm thế nào, chưa phát huy được vai trò tham mưu, quản lý nhà nước.
“Đây là vấn đề chung của tất cả các sở TT&TT. Cả 63 sở TT&TT từ to đến nhỏ, từ đông người đến ít người, từ nhiều nguồn lực đến ít nguồn lực đều gặp phải câu chuyện này”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định.
Sau khi bàn bạc và thống nhất với các sở TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT sẽ giải câu chuyện này ở hai góc độ. Đối với lĩnh vực phát triển kinh tế số, xã hội số, đây phần lớn là việc của người dân, doanh nghiệp. Do vậy, Bộ TT&TT đã cùng các sở lựa chọn ra 30 nền tảng cung cấp các tính năng cơ bản miễn phí.
Cùng với 30 nền tảng này, Bộ sẽ ban hành một cuốn cẩm nang hướng dẫn để từng người dân, từng hộ gia đình, từng làng có thể sử dụng các nền tảng này, từ đó tự hình thành nên các hộ kinh doanh số, làng số, xã số. Cuốn cẩm nang này dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9/2023.
Việc phát triển các bộ cẩm nang là một trong những sáng kiến của Bộ TT&TT nhằm đưa tri thức miễn phí về công nghệ số đến với đông đảo người dân, doanh nghiệp.
Trước đó, Bộ TT&TT từng cho ra đời Cẩm nang chuyển đổi số và Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, Cẩm nang Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy và học trực tuyến,... Trong năm nay, Bộ TT&TT cũng đang xây dựng một cuốn cẩm nang về truyền thông chính sách.
Tăng năng suất lao động bằng AI, công cụ số
Đối với vấn đề thiếu hụt nhân lực của các sở, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Bộ TT&TT đang triển khai các nền tảng số dùng chung toàn ngành, bao gồm 16 nền tảng số. Trong số này, có cả nền tảng về trợ lý ảo.
Bộ TT&TT sẽ công bố các nền tảng này và tập huấn cho các sở TT&TT vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Đây chính là công cụ để các sở TT&TT thực hiện tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước của mình.
Điều này cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ khi trong Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, việc phát triển nền tảng số được xem là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả.
Hồi tháng 8 năm nay, Bộ TT&TT đã lựa chọn Viettel làm đơn vị nghiên cứu, thử nghiệm phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và trợ lý ảo cho cán bộ, công chức. Mục tiêu của việc nghiên cứu, thử nghiệm nhằm tạo ra một trợ lý ảo phiên bản cơ bản dành cho cán bộ, công chức Nhà nước và ứng dụng trợ lý ảo phiên bản dành cho Bộ TT&TT.
Bộ TT&TT cũng kỳ vọng sẽ xây dựng được một bộ dữ liệu chung bằng ngôn ngữ tiếng Việt có chất lượng tốt, độ phủ rộng để phục vụ huấn luyện khả năng giao tiếp nhuần nhuyễn cho mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ứng dụng AI và sử dụng các công cụ số chính là 1 trong 4 phương châm để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực số và lúng túng trong khâu thực thi của sở TT&TT các địa phương.
Ba phương châm còn lại bao gồm việc khó, việc mới thì Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn, chỉ ra cách làm để ai cũng làm được; xã hội hóa, kêu gọi nhiều lực lượng cùng tham gia giải bài toán chung và thiết kế lại hệ thống để bỏ bớt những công việc rườm rà, không cần thiết.
Một phương châm có thể chưa cần làm ngay nhưng cũng rất quan trọng, đó là các sở TT&TT cần có ngân sách để thuê các chuyên gia xuất sắc trong một thời gian ngắn, hoặc theo từng dự án để bổ sung cho đơn vị mình những tri thức mới.