Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp công nghệ tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. |
Trong phiên đối thoại về giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ với các cơ quan tổ chức, tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, từ thực tế của doanh nghiệp mình, ông Lê Minh Quốc, Giám đốc Kỹ thuật Công ty MK Smart cho biết, như các doanh nghiệp khác đã phản ánh, tại Việt Nam có tình trạng ưu đãi ngược, các doanh nghiệp nước ngoài đang được ưu đãi hơn doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp của mình được cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Quốc cũng nêu nhận định, để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, sẽ có nhiều vấn đề không phải chỉ một Bộ TT&TT có thể thực hiện được mà còn liên quan đến phát triển công nghệ trong nhiều lĩnh vực do các bộ ngành khác quản lý như Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải, Nông nghiệp... “Bộ TT&TT làm thế nào thiết lập ra đầu mối để các doanh nghiệp công nghệ khi gặp vướng mắc về các nội dung công việc không thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT cũng có thể được Bộ hỗ trợ kết nối với Bộ, ngành khác”, vị Giám đốc Kỹ thuật của MK Smart đề xuất.
Có cùng quan điểm với đại diện MK Smart, Giám đốc Công nghệ CMC Lương Tuấn Thành nhấn mạnh: “Đề xuất cốt lõi của CMC đối với Chính phủ là “Open”, với mong muốn Chính phủ cởi mở về mặt thông tin và sẵn sàng tin tưởng giao việc cho khối doanh nghiệp tư nhân. Điều quan trọng nhất, theo chúng tôi là có sự đối xử công bằng giữa các nhóm doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân để tạo ra sân chơi giúp doanh nghiệp có động lực phát triển”.
Bàn về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, CEO Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân đề xuất, chúng ta nên phân biệt, xếp các doanh nghiệp công nghệ theo nhóm, trong đó xác định nhóm doanh nghiệp công nghệ nào cần được ưu đãi cao, đánh giá doanh nghiệp trọng tâm hơn dựa trên giá trị mà doanh nghiệp đó làm ra.
Theo phân tích của ông Tân, các doanh nghiệp nội dung số vừa tạo ra sản phẩm phục vụ người Việt, vừa làm ra các công nghệ tiên tiến nhất, vừa có cơ hội mang sản phẩm ra nước ngoài, do đó có thể xếp các doanh nghiệp nội dung số vào nhóm doanh nghiệp có mức ưu đãi cao. “Còn như hiện tại, so với ngành phần mềm, nội dung số là ngành đang bị đánh thuế cao hơn, ưu đãi thì không có. Trong khi đó, nếu phân tích ra thì thấy rằng, doanh nghiệp nội dung số mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Tân nêu quan điểm.
Cho biết với ngành công nghệ, nguồn lực quan trọng nhất là con người, chi phí của một doanh nghiệp công nghệ đa phần nằm trong chi phí tiền lương, ông Tân nhấn mạnh: “Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề cốt tử nhất. Chỉ cần thuế thu nhập cá nhân của người làm công nghệ được giảm 50%, thì cũng đồng nghĩa với việc lương của họ cao hơn 1,3 lần, hoặc công ty thuê họ giảm được chi phí khoảng 1,1 lần so với người làm outsource…Đó là vấn đề trọng tâm nhất. Ngoài ra, lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng nhân lực của công nghệ phần mềm, nội dung số chỉ gồm có các kỹ sư CNTT, nhưng không phải như vậy mà hiện gồm có lập trình viên, thiết kế sản phẩm, người viết nội dung, làm đồ họa...”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ nay, từ nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ICT khi gặp vướng mắc liên quan đến môi trường pháp lý, chính sách, có thể lấy Bộ TT&TT đầu mối, kể cả những việc liên quan đến những Bộ ngành khác (Ảnh minh họa: Internet) |
Trao đổi với các doanh nghiệp tại phiên đối thoại của Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, ông cũng rất trăn trở về vấn đề “bảo hộ ngược”. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở Việt Nam, đóng thuế và tuân thủ các quy định của nhà nước Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhất là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không đóng thuế ở Việt Nam, nhưng đang hưởng doanh thu rất lớn. Hiện nay, các mạng xã hội nước ngoài chiếm khoảng 70% doanh thu quảng cáo trên không gian số, thế nhưng họ không tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Cho biết Bộ TT&TT nhận thức rõ việc để kéo dài tình trạng trên là rất không nên, người đứng đầu Bộ chia sẻ rằng từ cuối năm ngoái đến nay, Bộ TT&TT đã rất mạnh mẽ để giải quyết tình trạng này. “Chúng ta phải tiến tới việc bất kỳ một doanh nghiệp nào đến Việt Nam kinh doanh, làm ăn thịnh vượng cũng phải giúp cho đất nước Việt Nam thịnh vượng bằng cách tuân thủ luật pháp. Đó là một tuyên bố của một nước có chủ quyền!”, Bộ trưởng nêu rõ.
Đồng tình với đề xuất của doanh nghiệp về việc nên ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhất, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu vấn đề này.
Nói về lĩnh vực nội dung số, theo Bộ trưởng, đây là lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển được nhưng đang gặp vấn đề, đó là tỷ lệ doanh thu trong tổng doanh thu ICT còn quá thấp, chỉ bằng 1/3, 1/4 so với các nước trong khu vực. Doanh thu nội dung số Việt Nam đáng lẽ phải đạt khoảng 4 tỷ USD thì hiện chưa được 1 tỷ USD.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang đi ngược lại xu thế chung của thế giới về tỷ lệ ăn chia giữa nhà mạng và các công ty sản xuất nội dung. Trong khi ở những nước nội dung số phát triển, tỷ lệ này là 30% cho nhà mạng và 70% cho công ty sản xuất nội dung. Còn ở Việt Nam hiện nay, nhà mạng hưởng khoảng 60%, các công ty nội dung số được hưởng ít hơn. “Đây là một vấn đề vì nhà mạng bao giờ cũng có quyền lực để ép các đơn vị nội dung, vì thế cần có sự can thiệp của Chính phủ”, Bộ trưởng cho hay.
Cho biết năm nay Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu xây dựng Chiến lược thúc đẩy phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam, Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo VNG, VCCorp… chủ động đề xuất một chiến lược phát triển nội dung số Việt Nam. Theo Bộ trưởng, điều này sẽ giúp mang lại những góc tiếp cận khác để giải quyết vấn đề.
Về đề nghị của MK Smart, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, từ nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ICT nếu gặp vướng mắc liên quan đến môi trường pháp lý, chính sách, có thể lấy Bộ TT&TT đầu mối, hoặc giả sử ngay cả khi việc đó liên quan đến các bộ ngành khác, thì Bộ TT&TT cũng sẽ chịu trách nhiệm đi nói chuyện với họ.
“Bộ TT&TT cũng đã tuyên bố bảo trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực ICT bởi đó là thành phần chính trong cuộc cách mạng số và cách mạng công nghiệp 4.0”, Bộ trưởng nói.