Nêu tại văn bản trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định hiện hành, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được thực hiện theo một trong hai hệ thống pháp luật là pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Để phân biệt việc giải quyết thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, tại Điều 9 của Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ ngày 01/3/2022) đã có quy định về nguyên tắc áp dụng thực hiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, cụ thể theo pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Một góc Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng tại quận Tân Phú, TP.HCM của Gamuda Land

Thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 2 Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020.

Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ chỉ quy định về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, không quy định về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án (nếu có). Các thủ tục nêu trên thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

“Liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đối với bên nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan” – Bộ Xây dựng nêu rõ.

Dự án khu liên hợp văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng có quy mô 82,5ha, được UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư địa ốc Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (Công ty Thương Tín Tân Thắng) làm chủ đầu tư. Sau đó, Công ty CP Gamuda Land mua lại phần lớn cổ phần của Công ty Thương Tín Tân Thắng.

Liên quan đến dự án này, trước đó, vào tháng 7/2016, Phó Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ (TTCP) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.HCM kiểm tra, xem xét tố cáo của bà Phạm Thị Kim Loan liên quan đến những sai phạm trong việc thực hiện dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng.

Trên cơ sở xác minh, TTCP xác định việc UBND TP.HCM cho phép khấu trừ tiền đền bù, hỗ trợ về đất đối với số tiền 514 tỷ đồng vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đường giao thông nội bộ, đất công viên cây xanh và diện tích mặt nước tại dự án là chưa phù hợp quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Do vậy TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thu hồi 514 tỷ đồng liên quan đến việc khấu trừ tiền bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tại dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng do Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng làm chủ đầu tư (sau này là Công ty CP Gamuda Land).

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo thu hồi số tiền sai phạm trên của Gamuda Land.

Tuy nhiên, Công ty Gamuda Land sau đó đã có đơn khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ. Tháng 9/2018, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và giao TTCP chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND TP.HCM kiểm tra, xem xét kiến nghị của Gamuda Land.

Đến tháng 8/2019, tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, TTCP cho biết, việc đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng được thực hiện theo quy chế Khu đô thị mới ban hành theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP; chủ đầu tư có nghĩa vụ đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án khu đô thị mới theo quy định tại Nghị định 02.

Mặc khác, UBND TP.HCM cũng có hai quyết định là 5857 và 5081 thể hiện việc đầu tư các công trình công cộng không có mục đích kinh doanh thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

Theo TTCP, việc UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 5081 điều chỉnh Quyết định số 5857, trong đó điều chỉnh hình thức sử dụng đất từ giao đất sang thuê đất đối với toàn bộ diện tích 820.101,4m2, trong đó cho thuê đất không thu tiền thuê đất đối với 349.515m2 đất giao thông, cây xanh, mặt nước (đất công cộng không có mục đích kinh doanh) là chưa phù hợp quy định.

TTCP cũng cho rằng, UBND TP.HCM cho phép Công ty Tân Thắng, là chủ đầu tư đầu tiên của dự án trước khi bán phần lớn cổ phần cho Gamuda Land, khấu từ 514 tỷ đồng tiền đền bù, hỗ trợ về đất vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đường giao thông, đất công viên cây xanh và diện tích mặt nước, là chưa phù hợp với quy định tại nghị định 197 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

"Việc Sở Tài chính TP.HCM cho rằng chủ đầu tư của dự án này là Công ty Tân Thắng có sự tham gia góp vốn của Gamuda Land SDN BHD của Malaysia (chiếm 60% vốn điều lệ đăng ký lần đầu, hiện nay chiếm 98% vốn điều lệ) và dự án này thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Nghị định 197 nên việc hoàn trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho chủ đầu tư là phù hợp với Nghị định 197, là chưa phù hợp", Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Về vấn đề này, TTCP chỉ rõ: tại thời điểm Gamuda Land SDN BHD nhận chuyển nhượng 60% cổ phần phổ thông của công ty Tân Thắng từ công ty Sacomreal (nay là TTC Land) và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 3 (ngày 24/3/2010), công tác đền bù giải phóng mặt bằng của dự án đã được thực hiện xong.

“Gamuda Land không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; do đó, không thể áp dụng Nghị định 197 để hoàn trả chi phí đền bù, hỗ trợ về đất cho Công ty Tân Thắng được” – báo cáo của TTCP nêu.

Từ kết quả kiểm tra, rà soát, TTCP tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.HCM thu hồi về cho ngân sách nhà nước số tiền là 514 tỷ đồng mà trước đây UBND Thành phố đã cho phép Công ty Tân Thắng khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đường giao thông, đất công viên cây xanh và diện tích mặt nước.