Ngày 26/1/2021, một tuần sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Hai nguyên thủ Nga và Mỹ nhất trí gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân (START) mới. Hiệp ước này là nền tảng để kiểm soát vũ khí toàn cầu, giới hạn số đầu đạn hạt nhân chiến lược mỗi bên triển khai không quá 1500 cũng như số tên lửa đặt trên mặt đất, trên tàu ngầm và máy bay ném bom không quá 700.

{keywords}
Ông Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Moscow hồi tháng 3/2011. Ảnh: AP

Ít người biết rằng ngoài lần tương tác nói trên, trong cuộc đời hoạt động chính trị thâm niên của mình, ông Biden từng 4 lần đến xứ sở bạch dương. Trong đó có 2 lần vào thời kỳ Liên Xô (các năm 1979, 1988) và 2 lần giai đoạn nước Nga hiện đại (1997 và 2011). Theo chính trị gia lão luyện này, mỗi chuyến đi đều để lại cho ông những ấn tượng khó quên với các nhà lãnh đạo, quan chức Liên Xô, Nga mà ông từng tiếp xúc.

Tháng 8/1979, vị thượng nghị sỹ Mỹ 36 tuổi khi đó - Biden dẫn đầu đoàn gồm 7 nhà lập pháp của Washington đến Liên Xô để đàm phán những chi tiết liên quan đến việc thực hiện Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START-2) giữa Mỹ và Liên Xô.

Vì lí do sức khỏe, Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev chỉ có mặt rất ngắn trong buổi tiếp chính thức phái đoàn Mỹ. Người làm việc trực tiếp với ông Biden là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Aleksey Kosygin.

Trong cuộc hội đàm, người đứng đầu Chính phủ Liên Xô đã có câu nói mà ông Biden miêu tả là “để đời” về quan hệ Xô-Mỹ, rằng đó là mối quan hệ với “một đống căng thẳng và sự thiếu lòng tin”.

Song, khi trả lời phỏng vấn các nhà báo Liên Xô, vị chính khách Mỹ trẻ tuổi lại tỏ ý tin vào triển vọng tốt đẹp của mối quan hệ song phương.Tuy nhiên, ông Biden cũng mong muốn những công dân Liên Xô muốn rời đất nước được tạo điều kiện dễ dàng hơn.

Trong khuôn khổ chuyến đi, ông Biden còn đặt vòng hoa tại Nghĩa trang Piskarevskoe và tượng đài Tổ quốc-Người mẹ ở Leningrad. Tờ Pravda trích dẫn lời ông Biden nói thế giới mãi ghi nhớ những chiến công của người dân Leningrad bị phong tỏa trong Thế chiến thứ Hai.

Giữa tháng 1/1988, ông Biden với tư cách là thành viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ có chuyến đi thứ hai đến Liên Xô, theo lời mời của Xô-viết Tối cao Liên Xô. Chương trình nghị sự vẫn là vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, cụ thể là Hiệp ước Xô-Mỹ về cấm thử nghiệm và sử dụng tên lửa tầm trung và tầm gần. Hiệp ước này đã được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô – Mikhail Gorbachev ký ngày 8/7/1987 và dự kiến có hiệu lực từ tháng 6/1988. Tuy nhiên, đến thời điểm đó vẫn chưa được Quốc hội hai nước phê chuẩn.

Đón tiếp và làm việc với vị khách đến từ Mỹ là Chủ tịch Xô-viết Tối cao Andrey Gromyko. Vốn là một nhà ngoại giao lão luyện, ông Gromyko bày tỏ hi vọng các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ đạt kết quả mong muốn và rằng phía Mỹ sẽ có “cách tiếp cận mang tính xây dựng” đối với vấn đề này.

Ngắn gọn và cũng ít thông tin nhất là chuyến thăm Nga năm 1997 của ông Biden, nơi ông có cuộc gặp với tướng Alesander Lebedev , Thư ký Hội đồng An ninh Nga. Hai bên bàn về cuộc chiến Chesnya. Theo cảm nhận của ông Biden, tướng Lebed là một người có quan điểm cứng rắn trong việc cho phép nước cộng hòa vùng Ngoại  Kavkaz này được hưởng quyền tự trị.

Chuyến đi gần đây nhất của ông Biden tới Moscow diễn ra vào tháng 3/2011, nội dung chính là vấn đề Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).  Khác với 3 lần trước, chuyến thăm lần này của vị phó Tổng thống Mỹ có quy mô lớn hơn nhiều và cũng được báo giới Nga theo dõi, đưa tin rầm rộ hơn.

Ông Biden không chỉ có các cuộc gặp với Tổng thống Dmitry Medvedev, Thủ tướng Vladimir Putin mà còn tiếp xúc với đại diện các lực lượng đối lập Nga. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Putin, ông Biden than phiền về tình trạng “quá tải” trong quan hệ song phương, còn ông Putin lại đề nghị phía Mỹ xem xét cơ chế miễn thị thực cho công dân hai nước.

Phó Tổng thống Mỹ cũng dành thời gian thuyết trình trước sinh viên Đại học Quốc gia Moscow về môi trường kinh doanh và hệ thống toàn án ở Nga, tại đây ông cũng nhắc lại lời nói năm xưa của cựu Thủ tướng A. Kosygin về sự thiếu lòng tin Nga - Mỹ.

Ông Biden còn cùng vợ đặt vòng hoa tại Mộ chiến sĩ vô danh; gặp gỡ giới doanh nhân Mỹ đang làm ăn tại Nga; thăm Trung tâm đổi mới Sokol nơi ông làm việc với Phó Thủ tướng I. Shuvalov; chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác giữa hai hãng hàng không Boeing và Aeroflot.

Nhiều nhà bình luận bày tỏ hi vọng, với “hành trang” và sự hiểu biết về nước Nga có được từ 4 chuyến thăm Nga trước đây, tân Tổng thống Mỹ có thể tìm cách giảm bớt những căng thẳng chính trị và mang lại lợi ích cho cả hai cường quốc, điều ông từng nhắc tới trong buổi thuyết trình tại Đại học Quốc gia Moscow 10 năm trước.

Nguyên Phong

Quan hệ Nga - Mỹ thời ông Biden sẽ 'khó khăn'

Quan hệ Nga - Mỹ thời ông Biden sẽ 'khó khăn'

Đó là tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngay cả khi Washington và Moscow vừa nhất trí gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai bên.

Phép thử sớm của Trung Quốc và Nga với tân Tổng thống Mỹ

Phép thử sớm của Trung Quốc và Nga với tân Tổng thống Mỹ

Các đối thủ chính của Mỹ đã ngay lập tức “sát hạch” quyết tâm của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden trong việc bảo vệ các đồng minh và giá trị của Mỹ.