Những hình ảnh nhức nhối

Những ai theo dõi Phóng sự Chương trình Chuyển động 24h của VTV1 (ngày 16 - 17/12/2023), phản ánh bữa ăn của học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai sẽ cùng chung cảm xúc vừa xót thương cho các cháu học sinh nhỏ tuổi, gầy gò vừa bất bình, phẫn nộ với vị hiệu trưởng của ngôi trường này là ông Trần Ngọc Hà.

Nội dung Phóng sự bắt đầu một ngày mới là bữa ăn sáng tại bếp ăn học sinh bán trú, mỗi mâm có 11 đứa trẻ tranh nhau 2 gói mì tôm nấu loãng làm canh để các cháu nuốt trôi cơm. Trong khi đó, thực đơn và bảng công khai tài chính ghi rõ 174 học sinh bán trú được hưởng chế độ ăn sáng mỗi em một gói mì tôm và một quả trứng.

Bữa ăn sáng kém xa định lượng mà các cháu được hưởng, nhưng bữa ăn trưa và bữa ăn tối cũng chẳng khá hơn là bao khi mỗi mâm 11 học sinh, chỉ có một ít lát giò thái nhỏ cùng nồi canh lõng bõng. Thế nhưng, vị Hiệu trưởng mặt vẫn tỉnh khô trả lời phóng viên, rằng "như thế này là đủ khẩu phần".

Trong khi người phụ nữ phụ trách bếp ăn cho biết, tình trạng bữa ăn của học sinh quá kém cả về số lượng và chất lượng thường xuyên diễn ra ở ngôi trường này.

gaii trinh tai truong 1 1119.jpg
Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 giải trình với đoàn kiểm tra vào sáng 17/12. Ảnh: T.L

Nếu như trứng, thịt, cá là những tinh thể nhỏ bé, quý hiếm trong khẩu ăn của học sinh, thì Phóng sự cũng phơi bày những thứ rẻ như rau, nhưng các cháu vẫn phải ăn bắp cải, rau cải thối rữa, hư hỏng. Hình ảnh một nhóm đông học sinh được huy động xuống bếp để loại bỏ phần rau thối, cố tìm kiếm những gì còn lại mà các cháu có thể cho được vào miệng trong bữa ăn sắp tới của mình.

Có thể nói, khẩu phần ăn của các cháu tệ hơn cả bữa ăn của người hành khất. Còn điều kiện đảm bảo sinh hoạt hàng ngày cũng trong tình cảnh vô cùng hoang dã. Chẳng hạn, thứ tối thiểu và rất cần thiết như giấy vệ sinh cũng không có, vì vậy học sinh phải quay về thời nguyên thủy sử dụng lá su su khi có nhu cầu “tiện lớn”.

Trong khi đó, theo Điểm 4, Điều 18 Nghị định 81 của Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ tiền bán trú hàng tháng đối với học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ bằng 40% lương cơ sở, tương đương 720.000 đồng. Ngoài tiền ăn, học sinh được hỗ trợ tiền nhà ở và 15 kg gạo/tháng (học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 thuộc đối tượng được hưởng chính sách này).

Trước phản ánh của báo chí, ngày 17/12, UBND huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 để phục vụ công tác xác minh thông tin suất ăn của học sinh bán trú.

Nguyên nhân của thực trạng thương tâm về tình cảnh ăn ở, sinh hoạt của các cháu học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 phải chờ kết luận của cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, ai cũng cho rằng nếu khẩu phần ăn và những đồ dùng đảm bảo tối thiểu và rất cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày không bị bớt xén thì cuộc sống của các cháu không thể tệ hại đến mức như vậy. 

w hoang thu pho 2 2 1108 252.jpeg
Hình ảnh bữa trưa của các em học sinh trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 ngày 19/12 sau sự việc ngôi trường này cắt xén khẩu phần ăn của các em. Ảnh: Đức Phong

Tình trạng khẩu phần của học sinh bán trú bị bớt xén hoặc không đảm bảo chất lượng xẩy ra khá nhiều trên phạm vi cả nước. Dưới đây là một vài vụ việc.

Đầu tháng 12/2023, cũng ở tỉnh Hà Giang, phụ huynh trường mầm non xã Bạch Đích, huyện Yên Minh phản ánh, bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, học sinh Trường mầm non Bạch Đích thuộc đối tượng được hỗ trợ 160 nghìn đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, Nhà trường không sử dụng số tiền được Chính phủ hỗ trợ để chi cho bữa cơm trưa của các cháu, mà lại bắt mỗi học sinh nạp 10 nghìn đồng/ngày và 2,5kg gạo/tháng. 

Bà Đồng Thị N. Hiệu trưởng ngôi trường này đã bị UBND huyện Yên Minh tạm đình chỉ công tác để tiến hành công tác thanh tra, xác minh.

Cũng vì bớt khẩu phần ăn của học sinh, tháng 6/2020, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Thành, phường Đông Thành, TP. Ninh Bình là bà Bùi Thị Sơn và 3 thuộc cấp đã bị bắt, với cáo buộc lập hồ sơ giả để bớt xén khẩu phần ăn của học sinh.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, năm 2018 và 2019, bà Sơn đã chỉ đạo lập song song hai hệ thống chứng từ kế toán để che giấu việc rút bớt khẩu phần ăn của học sinh, thu học phí sai quy định, chi tiêu trái phép. Các sai phạm đó đã gây thiệt hại hơn 530 triệu đồng.

Một vụ việc khác liên quan tới khẩu phần ăn của học sinh bị bớt xén, đó là tháng 10/2020, sau khi phát hiện bữa ăn của con em mình bị bớt xén quá nhiều, phụ huynh Trường tiểu học Phước Long 1 (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã viết đơn phản ánh lên Phòng Giáo dục Thành phố đồng thời căng băng rôn yêu cầu bữa ăn của học sinh phải an toàn cho sức khỏe của học sinh, không bị xà xẻo.

Nguyên nhân làm cho phụ huynh bức xúc vì Trường tiểu học Phước Long 1 là trường chuẩn quốc gia, trên 1.200 học sinh, đăng ký ăn bán trú luôn ổn định từ 800 học sinh trở lên. Mỗi ngày ăn 19 ngàn đồng/bữa chính/1 học sinh, khi phụ huynh kiểm tra bếp ăn, mỗi suất ăn chỉ có nước canh, một tô cơm với chút thịt băm và trứng rán. Thực phẩm của bữa ăn này công khai 65kg thịt nhưng thực tế chỉ hơn 40kg.

Còn tình trạng học sinh phải vào bệnh viện cấp cứu do bị ngộ độc thức ăn vì thực phẩm không đảm bảo chất lượng thì đa phần các tỉnh thành đều có.

Bớt xén khẩu phần ăn của học sinh là không thể chấp nhận được

Khẩu phần ăn của học sinh dù được Nhà nước hỗ trợ hay do phụ huynh đóng đều nhằm mục đích đảm bảo dinh dưỡng, năng lượng cho học sinh học tập và phát triển về thể chất và trí tuệ. Nếu bị bớt xén sẽ để lại nhiều hệ lụy tiêu cực.

Thứ nhất, trong khi Nhà nước đang tập trung thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo cho người dân trên phạm vi cả nước. Vậy mà vì lòng tham, mà có hiệu trưởng lại bớt xén khẩu phần ăn của các cháu học sinh đang ở tuổi mẫu giáo, tiểu học, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với uy tín và hình ảnh của nhà giáo và của ngành giáo dục nước nhà.

Thứ hai, khi khẩu phần ăn bị bớt xén trắng trợn, các cháu sẽ lâm vào trạng thái vừa đói vừa mệt, chắc chắn không thể tập trung học tập và tất yếu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng, kết quả học tập.

Thứ ba, hầu hết đối tượng bị bớt xén khẩu phần ăn đều là học sinh mẫu giáo, học sinh tiểu học. Đây là độ tuổi vô cùng quan trọng của quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của con người. 

Vì vậy, khẩu phần ăn của các cháu bị bớt xén đồng nghĩa dưỡng chất bị thiếu hụt nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập, sức khỏe hiện tại mà còn ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển thể chất và trí tuệ lâu dài của các cháu.

Có thể đánh giá, những kẻ bớt xén khẩu phần ăn của con trẻ là thất đức, vô liêm sỉ. Vì vậy, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hà Nội đã không quá khi cho rằng việc ăn bớt khiến khẩu phần ăn của học sinh không đủ dinh dưỡng, không đảm bảo định lượng mà phụ huynh bỏ tiền ra mua cho con, hay có nguồn gốc không rõ ràng… là tội ác.

Cần có giải pháp quyết liệt ngăn chặn vấn nạn bớt xén khẩu phần của con trẻ 

Để phòng ngừa, ngăn chặn tiến tới chấm dứt tình trạng bớt xén khẩu phần ăn hoặc chất lượng bữa ăn của học sinh nội trú và học sinh bán trú không bảo đảm cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Cần có chế tài phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của phụ huynh về chất lượng bữa ăn của học sinh nội trú, học sinh bán trú. Vì không có ai lo lắng, tự giác, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của học sinh bằng bố mẹ của các em.

Công tác thanh tra, kiểm tra theo định kỳ phải thực chất, sâu sát, tránh hình thức, cưỡi ngựa xem hoa như từ trước tới nay. Có chế tài xử lý nghiêm khắc những cán bộ thanh tra thiếu trách nhiệm, dung túng, bao che cho những tổ chức cá nhân xâm phạm chế độ tiêu chuẩn, quyền lợi của học sinh.

Cần có quy định chặt chẽ về trách nhiệm của hiệu trưởng. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm cao nhất và bị xử lý nghiêm khắc nếu để xảy ra tình trạng bớt xén khẩu phần ăn và an toàn vệ sinh thực phẩm của học sinh nội trú, học sinh bán trú.

Các cấp các ngành cần có chung quan điểm, việc bớt xén khẩu phần ăn của học sinh tuy giá trị tài chính không lớn nhưng hậu quả của nó để lại vô cùng lớn. Cho nên, cần phải quyết liệt khắc phục tình trạng bớt xén khẩu phần ăn, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm ở các trương nội trú, bán trú.  

Nguyễn Huy Viện