LTS: "Mượn xe ô tô" là việc khá phổ biến nhưng cũng rất tế nhị với vô vàn câu chuyện “hỷ, nộ, ái, ố” khác nhau. Trên thực tế, không ít người vì quá thoải mái hoặc cả nể đã sẵn sàng cho người quen mượn xe, nhưng sau đó đã phải "ôm cục tức", thậm chí vướng vào vòng lao lý.

Câu chuyện "có nên cho mượn xe ô tô" là chủ đề vô tận với độc giả VietNamNet. Và hơn ai hết, chính người trong cuộc sẽ hiểu rõ nhất giá trị chiếc ô tô của mình cũng như sự cần thiết của việc cho một ai đó mượn xe mình hay không.

Mượn xe ô tô là vẫn đề rất tế nhị với vô vàn câu chuyện “hỷ, nộ, ái, ố” khác nhau. (Ảnh minh hoạ)

Dưới đây là chia sẻ của độc giả Mai Trang ở Hà Nội về câu chuyện của mình:

Đọc bài viết "Tôi không cho ai mượn xe ô tô, dù thân thiết đến đâu", tôi rất đồng cảm với anh Việt Hùng và như thấy chính bản thân mình trong đó. Giống như anh, nhà tôi cũng "phát sốt" về chuyện cho mượn xe, nhưng trường hợp này lại chính là em trai của chồng.

Là người trong nhà, em chồng tôi biết rõ chìa khoá và xe ô tô nhà tôi để đâu, thế là thỉnh thoảng có việc là tự tiện sang nhà lấy xe đưa vợ về quê, đi thăm hỏi họ hàng, hay thậm chí hai vợ chồng đi chơi đổi gió,...

Chiếc ô tô là tài sản chung của hai vợ chồng tôi, nhưng lạ một điều là có việc gì cần lấy xe thì chỉ nhắn tin cho anh trai là "em lấy xe đi mấy ngày" mà không bao giờ biết hỏi ý kiến chị dâu. Ngày Tết về quê cũng chẳng hỏi anh chị có dùng xe đi đâu không mà cứ lấy đi kiểu "tự nhiên như ruồi".

Điều khiến tôi bực nhất là chú em dù sử dụng xe còn nhiều hơn cả vợ chồng tôi nhưng hầu như chẳng bao giờ biết đổ xăng, cũng chưa một lần nạp tiền vào tài khoản ETC và mặc định đấy là việc của anh trai.

Thậm chí, đi đi về về quê vợ từ Hà Nội - Nam Định đến 5-7 lượt nhưng lần nào cũng trong tình trạng bình xăng gần cạn. Thấy vậy, chồng tôi lại lóc cóc bơm thêm vào, nhưng có lần chưa kịp đi đâu lại bị em trai "đi hộ".

Khi vợ chồng tôi nhắc, chú em thanh minh: "Em biết đi nên tiết kiệm nên hết ít xăng lắm" và hứa "vài hôm nữa em đổ". Tôi nghĩ thầm: "Trời! Đi mỗi lần vài trăm cây số mà hết ít xăng ư?"

Đỉnh điểm là cách đây 1 tháng, mẹ vợ chú ấy ra Hà Nội dự đám cưới đúng ngày cả nhà tôi đã có có kế hoạch đi chơi. Vì nghĩ chẳng mấy khi mẹ vợ của em trai ra nên vợ chồng tôi lại huỷ chuyến đi và nhường xe cho chú em đưa mẹ vợ đi đám cưới. Thế nhưng, kết quả là tối về trả xe trong tình trạng bình xăng cạn nhẵn, kim xăng báo đỏ.

Bực quá, tôi góp ý: "Chú lần sau đi xe thì đổ xăng vào, không ai bắt chú phải đổ đầy bình nhưng lúc mượn thế nào thì nên trả nguyên trạng như thế. Và anh chị ở nhà thì nên có câu mượn cho đàng hoàng". Thế nhưng, không những chú em không tiếp thu mà mà còn tỏ thái độ bức tức, hằn học, có lời nói thiếu tôn trọng chị dâu.  

Có thể sau lần đó chồng tôi nói chuyện thêm nên sau đó không thấy chú em mượn xe lần nào nữa. Và khoảng 2 tuần sau thấy em chồng tôi đã tậu được ô tô, dù trước đó lúc nào cũng nói mua xe là tiêu sản, không muốn đổ tiền vào đấy.

Tôi bảo với chồng: "Chẳng phải chú ấy không có tiền mua xe hay đổ xăng mà chỉ thích 'đóng cửa đi ăn mày' thôi". Dù sao khi chú em mua được ô tô, người vui nhất có lẽ chính là vợ chồng tôi vì từ nay bớt được một "mối lo".

Buồn những người mượn xe mà không có ý thức!

Độc giả Mai Trang (Hà Nội)

Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn dưới phần bình luận hoặc gửi bài viết về Ban Ô tô Xe máy - Báo VietNamNet theo địa chỉ: Otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!