Từ năm 2020 đến nay, Sở TT&TT Hà Nội đã ký kết hợp tác với các đơn vị, cục, vụ thuộc Bộ TT&TT. Nhờ vậy, công tác quản lý nhà nước về TT&TT trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động phối hợp này cũng giúp các cơ quan thuộc Bộ kịp thời nắm bắt thông tin tại địa phương.

Nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông giữa Trung ương và địa phương, ngày 10/1, Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2025 và kế hoạch thực hiện năm 2023 với các đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT.

Cục Viễn thông sẽ hỗ trợ Sở TT&TT Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về viễn thông và phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Cục sẽ giúp Sở xây dựng kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn về phát triển viễn thông và hạ tầng số. Sở sẽ phối hợp tham vấn với Cục trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng kế hoạch, chương trình và các văn bản hướng dẫn triển khai.

Cục Bưu điện Trung ương sẽ phối hợp cùng Sở TT&TT trong công tác tham mưu, thúc đẩy dịch vụ bưu chính và xây dựng, quản lý mạng viễn thông phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn Hà Nội. 

Các đơn vị thuộc Bộ TT&TT ký kết chương trình phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt

Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực I sẽ phối hợp cùng Sở TT&TT Hà Nội về quản lý tần số và thiết bị vô tuyến. Trong đó, có việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, tiếp nhận hồ sơ can nhiễu, cung cấp, trao đổi thông tin và thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) sẽ phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội về quản lý và phát triển tài nguyên Internet trên địa bàn thành phố. Các hoạt động phối hợp bao gồm việc tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền về quản lý, sử dụng tài nguyên Internet, hướng dẫn, đăng ký sử dụng tài nguyên Internet Việt Nam (tên miền quốc gia “.vn”, địa chỉ IP, số hiệu mạng ASN). 

VNNIC sẽ cùng Sở TT&TT triển khai các hoạt động thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm trong sử dụng tài nguyên Internet trên địa bàn thành phố Hà Nội, thúc đẩy đăng ký sử dụng tên miền quốc gia “.vn” trong các dịch vụ số trực tuyến, đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng theo quy định của pháp luật.

Sở TT&TT Hà Nội và VNNIC sẽ hợp tác về chuyển đổi IPv6, tái cơ cấu, đảm bảo an toàn hạ tầng số và quảng bá ứng dụng đo tốc độ truy cập Internet i-Speed by VNNIC với mục tiêu nâng cao số lượng mẫu đo kiểm trên địa bàn.

Người dùng có thể tự kiểm tra tốc độ Internet bằng ứng dụng i-Speed (bên phải) do VNNIC phát triển. Ảnh: Trọng Đạt

Theo báo cáo số liệu mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT&TT năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng gần 8.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, công nghệ số với tổng doanh thu khoảng hơn 300.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 9,35% tổng doanh thu CNTT cả nước). Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước từ sản xuất - kinh doanh CNTT đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, thu hút hơn 160.000 lao động. 

Các doanh nghiệp CNTT hoạt động trên địa bàn Hà Nội đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ CNTT, công nghệ số, đa dạng, tiên tiến về công nghệ. Đây là những sản phẩm, dịch vụ nền tảng, là nguồn lực hỗ trợ phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Số liệu báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 (tính đến hết tháng 11/2022) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội về máy tính, hàng điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện là 2.385 triệu USD. Trong đó, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi là 2.265 triệu USD, điện thoại và linh kiện là 120 triệu USD.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, trong năm 2022, Sở đã tham mưu cho thành phố về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và xây dựng thành phố thông minh. Bên cạnh đó, Sở đã tăng cường công tác QLNN về lĩnh vực bưu chính viễn thông, chú trọng vấn đề phát triển hạ tầng viễn thông và phối hợp quản lý các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung trên địa bàn thành phố.