Theo Yonhap, các giáo sư từ 19 trong số 40 trường y trên toàn quốc đã ký một tuyên bố chung thông báo họ sẽ "nộp đơn từ chức ngay hôm nay". Các giáo sư y khoa, vốn là bác sĩ cấp cao tại những bệnh viện đại học lớn, đã cảnh báo sẽ từ chức từ tuần này nhưng cam kết tiếp tục chữa trị cho bệnh nhân. 

Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập của Hàn Quốc đã đình công dưới hình thức nghỉ việc từ ngày 20/2 để phản đối quyết định của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y thêm 2.000 suất. 

giao su.jpg
Các giáo sư y khoa nộp đơn xin nghỉ việc tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Ngày 24/3, Tổng thống Yoon Suk Yeol kêu gọi áp dụng biện pháp "linh hoạt" trong kế hoạch đình chỉ giấy phép của các bác sĩ thực tập không quay trở lại làm việc. 

Tuy nhiên, một nhóm giáo sư y khoa lại yêu cầu chính phủ hủy bỏ dự định tăng số lượng tuyển sinh vào trường y. Họ sẽ chỉ tham gia đàm phán nếu kế hoạch trên được bãi bỏ. Yêu cầu của Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc có thể gây khó khăn cho việc tổ chức đàm phán giữa chính phủ với cộng đồng y tế.

Hiệp hội cho biết: “Nếu chính phủ không hủy bỏ kế hoạch tăng số lượng sinh viên năm nhất trường y, cuộc khủng hoảng đang diễn ra sẽ không thể giải quyết được. Nếu chính phủ rút lại kế hoạch, chúng tôi sẵn sàng thảo luận tất cả vấn đề còn tồn tại trước mặt người dân”. 

Các giáo sư y khoa sẽ giảm thời gian làm việc hằng tuần xuống còn 52 giờ bằng cách điều chỉnh một số ca phẫu thuật và những phương pháp điều trị y tế khác.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong cho biết các bộ liên quan đã bắt đầu làm việc để tổ chức các cuộc đàm phán với cộng đồng y tế.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các cuộc đàm phán dự kiến có thể mang lại kết quả rõ ràng hay không khi chính phủ đã phân bổ thêm 2.000 suất tuyển sinh cho các trường đại học vào tuần trước. Đó là dấu hiệu cho thấy chính phủ sẽ không từ bỏ dự định. 

Hàn Quốc đang nỗ lực tăng số sinh viên y để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, đặc biệt ở khu vực nông thôn và các lĩnh vực y tế thiết yếu như nhi khoa, sản khoa và cấp cứu.

Nhưng các bác sĩ lập luận rằng việc tăng hạn ngạch sẽ làm tổn hại đến chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, đồng thời tạo ra tình trạng dư thừa bác sĩ. Thay vào đó, chính phủ phải nghĩ ra cách bảo vệ bác sĩ khỏi các vụ kiện tụng và tăng mức trợ cấp để khuyến khích bác sĩ hành nghề ở những vùng, lĩnh vực không được ưa chuộng.