Phiên tòa xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu” vừa qua nổi cộm với cụm từ “quà cảm ơn” khi nó được số đông các bị cáo thuộc nhóm tội “nhận hối lộ” nhắc đến.

Tại phiên tòa vụ “chuyến bay giải cứu”, trong phần luận tội và đối đáp, Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội nhiều lần khẳng định dù các bị cáo đưa ra nhiều lý do để biện minh nhưng hành vi của họ "chính xác là nhận hối lộ". Lý do "quà cảm ơn" là cách mà các bị cáo "lập lờ đánh lận con đen" và "đánh tráo khái niệm".

Xin trích dẫn đánh giá của Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội: Viện kiểm sát đưa ra lập luận các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nên không thể coi là quà cảm ơn "khi số tiền là bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước, không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa".

Viện kiểm sát cáo buộc sự nhũng nhiễu, sự thỏa thuận, mặc cả "chung chi" đã tạo ra "luật bất thành văn" buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền mới được cấp phép thực hiện chuyến bay. (*)

Gọi tiền hối lộ là “quà cảm ơn” là “việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tiền lệ xấu cho xã hội, cần phải có nhận thức đúng đắn nhằm loại bỏ thứ "văn hóa phong bì". (**)

Ảnh minh hoạ

Hối lộ, cảm ơn cũng như hàng vạn từ khác trong kho từ vựng Tiếng Việt phải được sử dụng sao cho đảm bảo sự trong sáng, tính chuẩn mực trong mọi hoạt động giao tiếp của đời sống chính trị, xã hội. 

Trong lĩnh vực tư pháp, việc sử dụng tiếng Việt càng đòi hỏi cao về tính chính xác để gọi đúng người, đúng việc, đúng tội. Lươn lẹo ngôn từ, đánh tráo khái niệm bất chấp quy định của luật pháp tất sẽ dẫn đến những bản án làm sai lệch cán cân công lý.

Gần đây, theo kết luận điều tra vụ Việt Á được báo chí phản ánh, có những bị can nhận hàng chục, hàng trăm ngàn với lời khai số tiền này là quà “cảm ơn”.

Qua diễn biến xét xử các vụ đại án nói trên, phải chăng đang có sự lẫn lộn khái niệm trong ngôn từ?!

Hối lộ, cảm ơn ở góc độ từ vựng – ngữ nghĩa

Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên, định nghĩa:

Hối lộ: Đưa tiền của cho người có quyền hành để nhờ làm việc có lợi cho mình, bằng hành vi lạm dụng chức vụ hoặc làm sai pháp luật.

Cảm ơn: Nghĩa thứ nhất là tỏ lòng biết ơn với người đã làm điều tốt cho mình. Nghĩa thứ hai là từ dùng trong lời nói lịch sự, lễ phép để nói với người đã làm việc gì đó cho mình, hoặc để nhận lời hay từ chối điều gì.

Rõ ràng, hành vi nhận tiền của các bị can trong các vụ đại án nói trên không thuộc phạm trù cảm ơn, dù là dùng với cách đưa đẩy theo nghĩa hai của từ này.

Làm sao thể coi là “quà cảm ơn” khi số tiền làm quà bằng cả một gia tài khổng lồ mà nhiều người cả đời mơ ước, và người đưa quà trong tình thế bị gợi ý, bị o ép, buộc phải đưa?

Hối lộ, cảm ơn ở góc độ luật pháp

Điều 354 Bộ Luật hình sự ghi rõ (vì nội dung dài gồm 6 mục, xin được trích khoản 1):

“Tội nhận hối lộ: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Về “quà cảm ơn”, khoản 2, Điều 22 Luật phòng, chống tham nhũng (2018) nêu rõ:

“Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”.

Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tham nhũng tiếp tục khẳng định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”.

Trong Quy định 37-QĐ/TW năm 2021 về 19 điều đảng viên không được làm có các điều: “(14) Tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới, hối lộ dưới mọi hình thức; tham gia hoạt động rửa tiền, đi vay, cho vay trái quy định của pháp luật. (15) Tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân”.

Như vậy về định chế, đã có quy định rất rõ ràng về cái gọi là hối lộ (và nhận hối lộ) và nhận quà. Xin trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Luật Nguyễn Công Long, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Không thể lấp liếm rằng nhận tiền tỷ mà không biết là vi phạm pháp luật. Từng là cán bộ, lại làm lãnh đạo đơn vị, họ chắc chắn phải biết".

Nguyễn Duy Xuân

Chú thích: 

(*) https://tuoitre.vn/cac-cuu-quan-chuc-nhan-hoi-lo-vu-chuyen-bay-giai-cuu-doi-dien-muc-an-nao-20230727171858803.htm

(**) https://thanhnien.vn/xet-xu-dai-anchuyen-bay-giai-cuu-qua-cam-on-hay-luat-bat-thanh-van-185230720220950311.htm